Với mỗi người giáo viên, hạnh phúc với họ là được học sinh yêu quý đón nhận; Là truyền đạt kiến thức và mong muốn học trò mình tiếp nhận kiến thức một cách hiệu quả nhất. Xây dựng được tiết học "hạnh phúc" cho cả thầy cô và học trò là mong muốn và mục tiêu mà bất kỳ người giáo viên nào cũng hướng đến.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Giáo viên trường THPT Hoàng Văn Thái – Thái Bình), bắt đầu tiết dạy học bằng một bài hát. Cả lớp cùng vỗ tay hát theo bản nhạc được giáo viên mở sẵn. Các em hào hứng vỗ tay, hát đều giọng to rõ, du dương theo bản nhạc. Trên khuôn mặt các em hạnh phúc rạng ngời, hào hứng để chuẩn bị vào một tiết học mới.
Bài học được chuẩn bị tiếp theo bằng một cây từ khoá, với mười ô hàng ngang và một ô hàng dọc. Học sinh giơ tay chọn từ khoá, mở câu hỏi và trả lời từng đáp án hàng ngang để hoàn thiện từ khoá chính là hàng dọc của bài.
Được năm câu trả lời hàng ngang, một học sinh giơ tay xin mở từ khoá, em trả lời mạch lạc và tự tin. Học sinh đã đoán đúng từ khoá, diễn giải lý do mở từ khoá một cách logic và thuyết phục. Cả lớp tán dương bằng một tràng vỗ tay mạnh mẽ thưởng cho chủ nhân từ khoá bài học hôm nay.
Với chủ đề tiết học là "Tôn sư trọng đạo” trong chương trình học môn hoạt động trải nghiệm, một môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiết học được bắt đầu tiếp theo sự điều hành của giáo viên, lớp được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm có sự chuẩn bị bài tập của mình theo nội dung giáo viên đã hướng dẫn từ trước.
Lần lượt các nhóm lên báo cáo, nhóm một báo cáo bài tập của mình bằng một tiểu phẩm kịch. Với các diễn viên không chuyên, nhưng diễn xuất rất tự nhiên. Trong khuôn mặt, ánh mắt các em không có sự run rẩy, căng thẳng hay tự ti nào cả.
Nhóm hai chuẩn bị bài tập bằng một video ngắn. Các em tự xây dựng kịch bản, diễn xuất, quay video, lồng tiếng. Một công việc có vẻ khá khó khăn so với lứa tuổi lớp 10. Video có thể chưa được chuyên nghiệp phần cắt ghép, lồng tiếng và kỹ thuật quay. Nhưng có lẽ với lứa tuổi chúng tôi 15 năm trước thì đó là điều không thể.
Nhóm 3 chuẩn bị bài thuyết trình bằng một cây hạnh phúc, một học sinh vóc dáng nhỏ bé, nhưng giọng mạnh mẽ, truyền cảm, diễn thuyết bài tập của nhóm mình một cách bài bản, khoa học, khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười, rạng rỡ. Thể hiện như mình đang tham gia vào một gameshow chứ không phải tiết học.
Không khí lớp học lúc nào cũng sôi nổi, thời gian 45 phút của một tiết học trôi qua như mới bắt đâu, cả cô và trò cùng cảm thấy không biết mệt mỏi. Giáo viên hăng say dạy học, học sinh tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Một tiết học điển hình mà cả cô và trò đều "hạnh phúc"với công việc của mình.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng một trường học hạnh phúc với các giá trị cốt lõi “ yêu thương – an toàn - tôn trọng” nhà trường đã coi việc mang lại "hạnh phúc" cho học sinh từ những tiết học "hạnh phúc", là nhân tố quan trọng trong quá trình giáo dục.
Quá trình giáo dục trong nhà trường, quan trọng nhất là làm thế nào để mỗi tiết học các thầy giáo, cô giáo thấy được niềm hạnh phúc, để chính họ là người truyền cảm hứng, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh. Trong các tiết học, kiến thức được điều chỉnh một cách hợp lý, không gây áp lực quá mức cho học sinh, phải chú trọng đến giáo dục thực tiễn, thiết kế, tổ chức các hoạt động nhóm và dự án hợp tác giữa giáo viên và học sinh để thúc đẩy sự tương tác và học hỏi từ nhau tạo ra các chương trình học linh hoạt và phù hợp với năng lực của mỗi học sinh.
Để làm được điều đó, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Phải được bồi đắp hằng ngày, hàng tiết học, để học sinh đến trường được học tập một cách hạnh phúc.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn hoạt động trải nghiệm, việc xây dựng được một tiết học "hạnh phúc", góp phần xây dựng một trường học hạnh phúc. Trong từng tiết giảng, cô cố gắng thay đổi phương pháp dạy, sưu tầm tài liệu. Mong muốn tạo dựng một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh cảm thấy an toàn, được tôn trọng và khuyến khích phát triển. Từ đó mới tạo ra những con người toàn diện.
Cô Hiền chia sẻ thêm, sau những tiết dạy xô xây dựng. Một điều dễ nhận thấy là học sinh rất tự tin, bạo dạn, sẵn sàng chia sẻ và hỏi ngay cô nếu có điều gì làm các em băn khoăn. Đặc biệt, các em chỉ mong ngày nào cũng được đến lớp để được học và được chơi.
Em Đặng Thu Hà, học sinh lớp 10a2 chia sẻ, em rất vui được tham gia những tiết học "hạnh phúc" như này. Với em, thông qua những tiết học này, em cảm thấy mỗi ngày em đều mong được đến trường để học tập. Nhà trường như một ngôi nhà thứ hai, ở đó các thầy cô đều rất gần gũi, thân thiện và cởi mở. Bạn bè chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thông qua những tiết học với các chủ đề như tiết học hôm nay, em hiểu hơn nữa về "Tôn sư trọng đạo", về giá trị đạo đức của người Việt Nam, chúng em ý thức hơn được vai trò của mình trong xã hội và trong nhà trường, từ đó có thêm niềm vui, động lực, sự thấu hiểu công ơn thầy cô và niềm hạnh phúc khi được đến trường.
Cũng đồng quan điểm với Hoài Anh, em Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ: "Việc lên cấp học mới, ban đầu, em nghĩ là rất bỡ ngỡ và khó hoà nhập vì học với các bạn ở những địa phương khác nhau. Nhưng em nhanh chóng thấy không phải như vậy. Cách giao tiếp của thầy cô và phương pháp dạy tạo cho em sự gần gũi, yêu trường, yêu thầy cô hơn. Ở đó em không còn là sự nhút nhát, co mình của một học sinh cấp hai, mà cởi mở, tự tin hơn trong từng tiết học".
Cuối giờ học, cô giáo chuẩn bị cho mỗi học sinh trong lớp một bao điều ước để các em viết vào đó những suy nghĩ của mình và tặng cho thầy cô, cha mẹ, người thân của mình. Các bạn tham gia lớp học đều chăm chú, nắn nót viết những suy nghĩ, tình cảm của mình để gửi gắm vào phong thư.
Làm nghề dạy học là gieo kiến thức, ước mơ, hoài bão vào tâm hồn học trò. Xây dựng một tiết học "hạnh phúc", một trường học hạnh phúc sẽ tạo động lực, tình yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô của học trò. Tạo cho các em sự mong muốn tới trường để học tập, từ đó sẽ góp phần lớn vào thành công của nền giáo dục nước nhà.