Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình tại Biển Đông

PV| 06/01/2017 10:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp Năm mới 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu đối ngoại của Việt Nam, cũng như cơ hội và thách thức năm 2017, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình tại Biển Đông

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2017

Năm 2016 công tác đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được triển khai toàn diện, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia-dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường vị thế quốc tế của đất nước.

Nhân dịp Năm mới 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu đối ngoại của Việt Nam, cũng như cơ hội và thách thức trong hoạt động đối ngoại năm 2017.

- Năm 2016 được coi là năm thắng lợi của ngành ngoại giao với những hoạt động sôi động cho đến những ngày cuối năm. Phó Thủ tướng có thể cho biết khái quát những điểm nổi bật?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Nếu có thể nói ngắn gọn, thì năm 2016 là "bất ổn, khó lường.” Tình hình an ninh truyền thống, phi truyền thống đều phức tạp. Tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới vẫn là hòa bình, với những thỏa thuận mà "trước đây không hình dung được," như sự bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, thỏa thuận hòa bình Colombia.

Những sự kiện như Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu), hay xu hướng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, xu hướng chống toàn cầu hóa nổi lên… đều là sự tích tụ từ nhiều năm qua nhưng được bộc lộ ra trong năm 2016.

Đánh giá khái quát về những điểm nổi bật trong thành tựu của công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2016, có thể nói đây là sự tiếp nối từ thành công của các năm trước và cũng là sự triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.

Trên bình diện song phương, 2016 là năm mà Việt Nam có thể vui mừng khi triển khai các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược đối tác toàn diện đi vào cụ thể.

Về song phương, Việt Nam và các nước đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Ấn Độ… đều đã có sự trao đổi chuyến thăm cấp cao. Trong khi đó, quan hệ Việt Nam với các nước láng giềng cũng hết sức sôi động.

Các hoạt động ngoại giao đa phương cũng được triển khai rất tích cực. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tham dự hầu hết các hội nghị khu vực và thế giới quan trọng như: Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7)...

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là chủ nhà của nhiều hội nghị như: Hội nghị Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV). Tại các hội nghị này, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng thông qua các sáng kiến, đề xuất cụ thể.

Năm 2016, việc tham gia các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Ban chấp hành UNESCO… đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể̉. Việt Nam đã tham gia đóng góp vào việc xây dựng các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về quyền trẻ em, biến đổi khí hậu...

Năm qua, Việt Nam cũng đã cùng các thành viên ASEAN hoàn thành các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Sau một năm thành lập, Cộng đồng ASEAN tạo dựng được cơ sở đồng nhất về thị trường với các hàng rào thuế quan được bãi bỏ, tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất trên các lĩnh vực.

Hiện nay, ASEAN cũng đang tính đến việc xây dựng tầm nhìn của Cộng đồng sau 2025.

Năm 2016 cũng đánh dấu nhiều thành công trong công tác ngoại giao văn hóa. Ngoài việc tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước qua việc tổ chức các sự kiện như Tuần Việt Nam hoặc Ngày Việt Nam ở các nước, chúng ta đã vận động UNESCO công nhận thêm nhiều di sản văn hóa của Việt Nam, nổi bật như Tín ngưỡng thờ Mẫu. Việt Nam đang vận động tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO.

Năm qua, công tác ngoại giao kinh tế cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Ngoại giao đã theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình kinh tế khu vực và thế giới, giúp Chính phủ hoạch định chính sách phù hợp hơn.

Bộ Ngoại giao cũng góp phần tích cực vận động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế như các nguồn vốn ODA, vận động các nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam; các cơ quan đại diện Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng thị trường ra bên ngoài.

Công tác bảo hộ công dân trong năm 2016 cũng được triển khai mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta tiếp tục thực hiện và triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hòa nhập và tuân thủ luật pháp nước sở tại, đồng thời hướng về xây dựng quê hương đất nước. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư ở trong nước tăng lên rất nhiều (ở 52/63 tỉnh, thành phố).

- Với việc đăng cai tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Phó Thủ tướng có thể cho biết những vấn đề được Việt Nam ưu tiên trong APEC 2017. Đến thời điểm này, Việt Nam đã và đang chuẩn bị như thế nào và đặt mục tiêu gì cho sự kiện đặc biệt này?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng nhau xây dựng tương lai”. Đây là chủ đề hết sức phù hợp với tiến trình phát triển hiện nay của APEC. So với Năm APEC 2006, Việt Nam bước vào năm 2017 với một tâm thế khác và kỳ vọng của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn đối với Việt Nam cũng khác, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy nổi lên đặt ra thách thức rất lớn đối với quá trình liên kết kinh tế trong APEC.

Việt Nam là chủ nhà của Năm APEC 2017 trong giai đoạn hết sức quyết định - đó là tiến tới hoàn thành mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.

Các ưu tiên được Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017 như: tăng trưởng bền vững; tăng cường liên kết kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; đảm bảo an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu… được các nước thành viên ủng hộ và nhất trí cao. Điều quan trọng là các ưu tiên này rất phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước ta trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới.

Việt Nam đã thể hiện vai trò nước chủ nhà khi đáp ứng đúng yêu cầu và sự quan tâm của các nền kinh tế, đồng thời gắn được các yêu cầu, mục đích phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với các ưu tiên đó. Chúng ta có thể tự hào ưu tiên của Việt Nam cho Năm APEC 2017 là phù hợp với nhu cầu chung của các nền kinh tế APEC. Dù nhu cầu của các nước có khác nhau, nhưng ta đã có thể gắn các yêu cầu đó vào các mục tiêu của chúng ta.

Về công tác chuẩn bị, từ giữa năm 2015, Việt Nam đã lập Ủy ban Quốc gia về APEC 2017. Chúng ta đã hết sức tích cực chuẩn bị từ nội dung, tổ chức cho đến cơ sở vật chất, hạ tầng. Đến nay có thể nói, Việt Nam đã bước đầu hoàn tất quá trình chuẩn bị.

Thứ hai, Việt Nam đã liên kết tất cả bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ, ngành liên quan đến các nội dung của APEC.

Thứ ba, cơ sở vật chất tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo đáp ứng tốt nhất việc tổ chức các hội nghị trong Năm APEC 2017. Sẽ có gần 10.000 người dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Chúng ta đã lựa chọn các tỉnh, thành phố để tổ chức hàng trăm sự kiện và hoạt động trong năm 2017, trong đó có 8 hội nghị Bộ trưởng.

Một trong những mục đích trong Năm APEC của chúng ta là quảng bá hình ảnh của các địa phương, hình ảnh đất nước đổi mới từ năm 2006 đến nay; giới thiệu Việt Nam với thế giới và khu vực. Quan trọng hơn nữa là làm sao đưa người dân, doanh nghiệp cùng tham gia.

- Trong bối cảnh tình hình tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng có thể cho biết những định hướng lớn trong công tác đối ngoại năm 2017?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Tôi nghĩ rằng, trong năm 2017 sẽ có nhiều thách thức về đối ngoại cần phải xử lý rất linh hoạt. Trước tình hình đó, Việt Nam vẫn kiên trì phương châm là bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở độc lập tự chủ và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mục đích của Việt Nam là tạo được lợi ích chung với các các nước - đó là duy trì hòa bình, ổn định.

Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ dựa trên các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện hết sức quan trọng mà chúng ta đã dày công gây dựng được; tiếp tục phát huy đà quan hệ có được trong những năm qua với các nước, đặc biệt với các nước láng giềng, các nước có vai trò quan trọng trên thế giới.

Tiếp tục duy trì và nâng cao các quan hệ đã có trong bối cảnh năm 2017 có nhiều thách thức, trong khi có sự thay đổi chính quyền ở một số nước.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06 –NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hội nhập quốc tế sâu rộng trong khi thế giới nổi lên xu thế bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa.

- Phó Thủ tướng có nhận định gì về vấn đề Biển Đông trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Tình hình Biển Đông trong năm 2016 vẫn có nhiều phức tạp. Đó là việc bồi đắp, mở rộng các đảo đá, đảo chìm trở thành đảo nổi, thiết lập cơ sở quân sự tại đây, làm cho tình hình phức tạp. Trong năm 2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết liên quan đến vụ kiện Philippines-Trung Quốc về những vấn đề pháp lý liên quan đến định nghĩa các đảo, đá; làm rõ yêu sách chủ quyền của các nước theo luật pháp quốc tế.

Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN cũng ra tuyên bố về Biển Đông, khẳng định lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Trong năm 2017, Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua thương lượng như chúng ta đang đàm phán với Trung Quốc về phân định ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, thương lượng với Indonesia, Malaysia về thềm lục địa và ngoài thềm lục địa.

Có thể khẳng định, Biển Đông là tuyến đường biển hết sức quan trọng, bất cứ động thái nào làm ảnh hưởng đến môi trường ổn định ở đây sẽ gây ra phản ứng của tất cả các nước, không chỉ là các nước có tuyên bố chủ quyền tại đây.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình tại Biển Đông