Ngày 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 35- CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư.
Tăng cường chủ động đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp của Đồng Tháp với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh trong thời gian qua.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đồng Tháp là tỉnh biên giới, có tiềm năng lợi thế rất lớn trong giao thương quốc tế vì vậy Đồng Tháp phải nhận diện đầy đủ, từ đó tập trung thúc đẩy các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, công nghiệp…
Trước những thời cơ, thách thức mới, thứ nhất, Tổng Bí thư yêu cầu Đồng Tháp báo cáo và triển khai ngay công tác thực hiện nghị quyết, các nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trung ương đã có hướng dẫn vì vậy Đồng Tháp phải triển khai nhanh, khẩn trương, có khó khăn gì cần kiến nghị cụ thể.
Tổng Bí thư cho rằng, Đồng Tháp là tỉnh ĐBSCL có tốc độ phát triển năng động, còn rất nhiều mục tiêu phải đặt ra trong thời kỳ phát triển mới, làm sao phải vượt qua được những yêu cầu đã đặt ra. Chính vì vậy, tại cuộc làm việc này, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp phải định hướng phát triển cụ thể vấn đề gì trong tương lai, vấn đề này phải có trao đổi. Việc này không chỉ làm trong Đại hội sắp tới mà ngay trong năm 2024, 2025 phải hoàn thành với mục tiêu tốt nhất, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới.
Đồng Tháp phải đặt mục tiêu làm sao thu nhập bình quân của người dân trong nhiệm kỳ tới phải tăng gấp đôi. Vì vậy, tất các ngành, các địa phương phải tính toán các bước đi cụ thể. Đặc biệt, phải chú trọng công nghiệp, chuyển đổi số. Muốn làm cái này thì Đồng Tháp phải tính toán có lộ trình cụ thể, nhận diện các khó khăn cần tháo gỡ như: biến đổi khí hậu, vấn đề năng lượng có đủ phục vụ cho phát triển…
Tổng Bí thư nêu rõ, Đồng Tháp là tỉnh biên giới, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, vì vậy phải chủ động, tăng cường xây dựng quan hệ, kết nối kinh tế bởi quan hệ với Campuchia không phải mối quan hệ thông thường mà là mối quan hệ đặc biệt, phải đẩy mạnh, tăng cường kết nối 2 nền kinh tế, thương mại, thúc đẩy giao lưu hàng hóa giữa hai bên.
Tổng Bí thư yêu cầu Đồng Tháp phải nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc gì để giải quyết. Tại buổi làm việc này, có đại diện của Chính phủ, các bộ, ngành nên có thể giải quyết ngay về vấn đề chính sách, chủ trương cần phải tháo gỡ, điểm nghẽn, ách tắc để đẩy nhanh phát triển…
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt và đạt mục tiêu đề ra
Trước đó, tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đã báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Kinh tế của Đồng Tháp hàng năm tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, với thế mạnh là lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái, hoa kiểng. Tỉnh có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 16 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.
Ước tính tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 04 năm (2020 - 2024) đạt 4,93%/năm, GRDP bình quân/người đến cuối năm 2024 ước đạt 77,55 triệu đồng, tương đương 3.258 USD. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho phát triển nông nghiệp và hướng tới phát triển hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại.
Đến nay, có 04/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt kế hoạch 05 năm: Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,08% (chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,0%); có 30 giường bệnh/1 vạn dân (chỉ tiêu đến năm 2025, có 30 giường bệnh/1 vạn dân); 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 42,6% xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10,2% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Có 6/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đang thực hiện, khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch 5 năm: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội còn 41,3% (chỉ tiêu dưới 40%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,2% (chỉ tiêu 79%), trong đó, lao động được đào tạo nghề đạt 55,9% (chỉ tiêu 57%); có 10,4 bác sĩ/01 vạn dân (chỉ tiêu 10,5 - 11 bác sĩ); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,89% dân số (chỉ tiêu 95%); tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch ước đạt 96,2% (chỉ tiêu 98%); tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý ước đạt 96% (chỉ tiêu 100%).
Tuy nhiên, có 5/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kỳ vọng, dự báo khó đạt kế hoạch 5 năm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân ước đạt 4,93% (chỉ tiêu bình quân 5 năm đạt 7,5%); GRDP bình quân/người ước đạt 77,55 triệu đồng, tương đương với 3.258 USD (chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 92 triệu đồng/người/năm, tương đương 3.434 USD); tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3,27%/năm (chỉ tiêu tăng bình quân 8,0 - 10%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 20,52% so với GRDP (chỉ tiêu 26%); tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 39,6% (chỉ tiêu 42%).
Năm 2024, dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu như sau: Kết nạp 2.719 đảng viên mới (đạt 143,11%); tăng trưởng GRDP đạt 6,44% (kế hoạch 8,0%); trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,0% (kế hoạch 3,9%), khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,27% (kế hoạch 9,68%), khu vực thương mại - dịch vụ (kể cả thuế) tăng 7,22% (kế hoạch 10,46%);
Thu ngân sách trên địa bàn được 9.675 tỷ đồng (đạt 100,01%); huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 24.919 tỷ đồng (kế hoạch 24,09); tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,65% (kế hoạch 39,6%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,2% (đạt 101,3%), trong đó, lao động được đào tạo nghề đạt 55,9% (đạt 100,54%); tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 96,2% (đạt 100%); tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 96% (đạt 100%).
Để tháo gỡ một số khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Tổng Bí thư Tô Lâm xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Đồng Tháp thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, đề nghị sớm triển khai xây dựng ''Trung tâm đầu mối nông sản và thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười" tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung tâm thành lập sẽ nâng cao giá trị gia tăng, sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh cung ứng tiêu thụ trong nước, đặc biệt là xuất khẩu, thúc đây liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ của Đồng Tháp mà còn của vùng ĐBSCL.
Thứ hai, đề nghị đồng ý chủ trương và sớm bố trí nguồn vốn triển khai xây dựng mới Bảo tàng Đồng Tháp Mười tại Khu di tích Gò Tháp. Đây là nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, chưa có bảo tàng trưng bày, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của Đồng Tháp Mười. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 700 tỷ đồng.
Thứ ba, đồng ý chủ trương thành lập khu kinh tế chuyên biệt, quy mô từ 5.000 ha trở lên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp với các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm kích thích, tạo sức hút mời gọi các đối tác, nhà đầu tư lớn, chiến lược nhằm phát triển kinh tế khu vực biên giới của tỉnh (chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cao hơn so với các khu kinh tế thông thường; hỗ trợ Đồng Tháp giải tỏa đền bù và giải phóng mặt bằng…)
Thứ tư, đồng ý chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đoạn cảng Hồng Ngự - Cao Lãnh (chiều dài khoảng 68 km, quy mô xây dựng 04 làn xe), thuộc tuyến hành lang vận tải từ khu kinh tế cửa khẩu Dinh Bà trước năm 2030, để góp phần hình thành kết cấu hạ tầng giao thông.
Thứ năm, đồng ý chủ trương đầu tư tuyến Quốc lộ N1 (chiều dài khoảng 40 km, quy mô đường cấp III - đồng bằng) và cầu Tân Châu - Hồng Ngự (vượt sông Tiền nối tỉnh Đồng Tháp với tỉnh An Giang, với quy mô mặt cầu rộng 20,5m và 4 làn xe cơ giới) trước năm 2030.
Thứ sáu, đồng ý chủ trương triển khai dự án Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, hiện nay đã xuống cấp, kết nối giao thông chưa thông suốt, đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Thứ bảy, xem xét, triển khai đầu tư Dự án nâng cấp kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền trong giai đoạn 2025 -2027 (chiều dài 20,8 km nối sông Tiền với sông Hậu).
Tại cuộc họp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương đã có những trao đổi, giải đáp và gợi mở những đề xuất để Đồng Tháp tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới...