Dự kiến tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 20/5/2025), Quốc hội sẽ cho ý kiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 40, sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến việc tổng kết kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đề xuất 2 phương án
Trình bày báo cáo chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 9 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 9 theo 02 đợt họp (với khoảng cách 09 ngày giữa 02 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Dự kiến Quốc hội làm việc 26 ngày, trong đó đợt 1 chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp và thảo luận ở Tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn; đợt 2 chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở Tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo 02 phương án bố trí thời gian của 02 đợt họp cụ thể như sau:
Phương án 1: Không bố trí Quốc hội làm việc ngày cuối tuần.
Quốc hội khai mạc vào thứ Ba, ngày 20/5/2025; bế mạc vào thứ Tư, ngày 02/7/2025; dự phòng sáng ngày 03/7/2025 và bố trí 02 đợt họp như sau:
Đợt 1: 19 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 13/6/2025;
Đợt 2: 07 ngày, từ ngày 23/6 đến ngày 02/7/2025.
Phương án 2: Bố trí Quốc hội làm việc một số ngày cuối tuần.
Quốc hội khai mạc vào thứ Ba, ngày 20/5/2025; bế mạc vào thứ Bảy, ngày 28/6/2025; dự phòng sáng ngày 29/6/2025 và bố trí 02 đợt họp như sau:
Đợt 1: 20 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 13/6/2025 (trong đó bố trí Quốc hội làm việc vào 01 ngày thứ Bảy);
Đợt 2: 06 ngày, từ ngày 23/6 đến ngày 28/6/2025 (trong đó bố trí Quốc hội làm việc vào 01 ngày thứ Bảy).
Theo ông Tùng, trường hợp có thêm các dự án luật, nghị quyết khác được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thì thời gian tiến hành Kỳ họp sẽ tăng thêm từ 01 đến 02 ngày, dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 04/7/2025 đối với phương án 1 và ngày 30/6/2025 đối với phương án 2.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị khai mạc 20/5 và bế mạc 30/6, tăng cường làm việc ngày thứ 7. "Đảm bảo thời gian đại biểu dự nghiêm túc, chặt chẽ".
Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chuẩn bị tốt kỳ họp bất thường vào tháng 2/2025. Phân công nhiệm vụ cụ thể các cơ quan trong xây dựng luật, cụ thể sửa đổi, các luật tổ chức quốc hội; luật ban hành VBQPPL, để đồng bộ với các luật khác.
Xem xét thông qua 11 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết
Về nội dung, theo ông Tùng, dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết (trong đó, có 01 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết đang được xem xét để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh).
Cho ý kiến 18 dự án luật (trong đó, có 06 dự án luật đang được xem xét hoặc các cơ quan dự kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh).
Bên cạnh các dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 nêu trên, trường hợp có dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật khác được bổ sung vào Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh dự kiến nội dung Kỳ họp.
Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng, Kỳ họp sẽ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024; Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2026; Xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (nếu Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 9).
Ngoài ra, kỳ họp sẽ cho ý kiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.