Liên quan đến vụ bà H.T.N.L (giáo viên, trú tại Hà Nội) tố cáo việc có người giả mạo tên bà để thành lập 3 công ty, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có văn bản gửi cơ quan Công an đề nghị xác minh làm rõ nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp...
Chịu oan ức vì cái gọi là “đúng quy trình”
Như Công lý đã thông tin, mới đây, khi làm thủ tục xuất cảnh du lịch, bà H.T.N.L mới biết đã bị đưa vào diện “tạm hoãn xuất cảnh” vì đang đứng tên giám đốc của 3 doanh nghiệp nợ thuế, gồm Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Diễm Anh (địa chỉ tại tổ 28 phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội); Công ty TNHH Sản xuất, Xây dựng và Thương mại Thiên Hoa Nam (trụ sở tại quận Long Biên); Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Inox Việt (Cty Inox Việt- trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Gửi đơn đến cơ quan chức năng, bà L. khẳng định không đứng tên thành lập hoặc thành lập hộ bất cứ công ty nào nên chắc chắn đã có người giả mạo bà để thành lập 3 công ty trên. Trước đây, bà có 1 lần bị mất Chứng minh nhân dân nên có thể đối tượng xấu đã lợi dụng giấy tờ này để thành lập công ty “ma” nhằm mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế.
Theo bà L, tuy số nợ thuế của Công ty Inox Việt không nhiều (hơn 8,7 triệu đồng) nhưng bà kiên quyết không “nộp thay” cho kẻ xấu, vì có thể người này đã làm hồ giả để thành lập 3 công ty đứng tên 3 tại 3 quận của Hà Nội để trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép với số lượng lớn.
Làm việc với bà L., Chi cục Thuế quận Hoàng Mai cho biết, Cty Inox Việt (do bà L. là người đại diện theo pháp luật) có rủi ro cao về thuế nên Chi cục đã ra Thông báo về viêc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Sau khi ra Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và không nhận được phản hồi từ Cty Inox Việt, ngày 11/4/2024, Chi Cục đã có Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà L.
Chi cục Thuế quận Hoàng Mai cho rằng việc ra Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh nêu trên là đúng trình tự, thủ tục, phù hợp quy định. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của bà L, Chi cục đã gửi văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội đề nghị rà soát hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, hồ sơ thay đổi thông tin doanh nghiệp của Công ty Inox Việt và thực hiện xử lý theo quy định của Luật doanh nghiệp. Đồng thời, Chi cục cũng có văn bản gửi Công an quận Hoàng Mai đề nghị phối hợp xác minh làm rõ nội dung phản ánh của bà L. về việc bị giả mạo đăng ký thông tin thành lập doanh nghiệp.
Trao đổi với PV, bà L. bức xúc cho biết: “Tôi không hiểu quy trình ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh ra sao nhưng việc để tôi phải chịu oan ức và thiệt hại trong vụ việc này thì rõ ràng cần phải xem lại cái gọi là “quy trình” này. Dù quy trình như thế nào thì cũng phải đảm bảo yêu cầu cao nhất là “đúng người”, “đúng hành vi” chứ không thể để những người như tôi mất quyền tự do đi lại một cách oan ức như vậy được. Tại sao cơ quan thuế không đến xác minh trực tiếp tại nơi thường trú của tôi trước khi áp dụng biện pháp “tạm hoãn xuất cảnh”? Hơn nữa, tôi cũng chỉ xuất cảnh để đi du lịch chứ không phải xuất cảnh để định cư ở nước ngoài nhằm trốn thuế. Tôi biết có người gặp tình cảnh như tôi đã phải chấp nhận tạm nộp tiền thuế để trước mắt được “gỡ” việc tạm hoãn xuất cảnh do có công việc gấp cần ra nước ngoài”.
Liên quan đến vụ việc, ngày 25/6/2024, Sở KH&ĐT Hà Nội có văn bản gửi đến Báo Công lý cho biết, căn cứ Điều 74 Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Điều 20 Quyết định số 39/2022/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sau đăng ký thành lập, Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT đã có văn bản gửi Công an quận Cầu Giấy và Công an quận Hoàng Mai xác minh làm rõ nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Diễm Anh; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Inox Việt có giả mạo hay không để có cơ sở xem xét giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục.
Những tưởng sẽ được sớm làm rõ vụ việc thì cuối tháng 6/2024, bà L. lại nhận được văn bản của Công an quận Cầu Giấy cho biết, “Bà L. đã có đơn gửi Công an quận Ba Đình giải quyết. Ngày 5/11/2019, Công an quận Ba Đình đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm của bà L đối với việc trình báo bị đối tượng không rõ nhân thân, lai lịch sử dụng thông tin cá nhân, số CMND của bà L. để lập một số công ty có hành vi trốn thuế. Căn cứ quy định của pháp luật, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy chuyển công văn của Sở KH&ĐT kèm theo đơn của bà L. đến cơ quan CSĐT- Công an quận Ba Đình để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Kẽ hở dễ bị lợi dụng trong đăng ký kinh doanh?
Chán nản trước việc đơn thư bị chuyển liên tục như trên, bà L. cho biết: “Vậy là sau 5 năm tố cáo việc bị đối tượng giả mạo lập công ty, thực hiện trốn thuế thì vụ việc quay trở lại Công an quận Ba Đình giải quyết. Trong khi đó thì vào cuối năm 2019, Cơ quan này đã “tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm” đối với đơn tố giác của bà L. ” do “chưa thu thập được tài liệu có liên quan để làm rõ nội dung đơn tố giác nên chưa đủ căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”. Tôi không hiểu việc tố cáo của tôi sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào, hoặc kéo dài đến bao giờ. Cũng không rõ trong 5 năm qua, Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đã tiến hành những công việc gì để xác minh nội dung tố giác của tôi?”.
Trước sự việc trên, một số Luật sư nêu quan điểm, vụ việc này có dấu hiệu trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứ không chỉ có dấu hiệu “giả mạo” bà L. để thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, việc tích cực vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc không chỉ đảm bảo quyền lợi của bà L., mà còn góp phần bảo vệ ngân sách nhà nước và trật tự quản lý kinh tế. Không rõ vào năm 2019, CQĐT Công an quận Ba Đình đã yêu cầu, đề nghị cơ quan nào cung cấp tài liệu để cho rằng “do chưa thu thập được tài liệu có liên quan”? Có thể, Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình chưa tiến hành xác minh đơn của bà L. tại Sở KH&ĐT nên đến nay, Sở này mới có văn bản đề nghị cơ quan Công an “vào cuộc”.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh, Luật sư Vũ Văn Thiệu (Công ty Luật Hợp danh INCIP) cho biết, quy định về đăng ký kinh doanh nêu rõ, “người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp...Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp”.
Có thể nói, quy định trên tạo thông thoáng, đơn giản hóa trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng cũng là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng như trường hợp bị giả mạo thành lập doanh nghiệp theo phản ánh của bà L. nêu trên
Trong vụ việc này, cơ quan đăng ký kinh doanh tuy không chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực của thông tin kê khai trong hồ sơ doanh nghiệp nhưng cũng phải xem xét trách nhiệm của mình trong khâu tiếp nhận hồ sơ. Theo phản ánh của bà L. thì bà này không hề thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh nên có thể có ai đó đã giả mạo bà L. để nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Không biết cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã kiểm tra, đối chiếu, xác minh ra sao để xác định người nộp hồ sơ là hợp pháp, đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp?
Cũng theo Luật sư Thiệu thì việc xác minh đối tượng giả mạo (nếu có) trong vụ việc này cũng không khó vì cả Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Diễm Anh và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Inox Việt đã có thời gian hoạt động 5 năm trước khi được “đổi” sang chủ sở hữu mới, người đại diện mới là bà L. .Như vậy thì chủ sở hữu cũ, người đại diện cũ (theo đăng ký doanh nghiệp lần đầu) sẽ là một đầu mối quan trọng để làm sáng tỏ vụ việc.