Tiếng chuông chùa Diên Phúc

Kim Truyền| 13/05/2022 22:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi đến chùa Diên Phúc (thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) vào một buổi chiều mưa tầm tã. Đón tôi là nụ cười hiền hậu của thầy Thích Minh Thịnh, trụ trì chùa. Và những câu chuyện thầy kể về sự thăng trầm của chùa Diên Phúc, cũng như cuộc đời thầy cuốn hút tôi một cách kỳ lạ. Lúc tôi chào thầy ra về, cũng là lúc những tiếng chuông chùa ngân vang…

Hoài nghi vụt tắt nơi cửa Phật

Hà Nội đã bước sang hè, vậy mà hôm nay trời bỗng trở lạnh hơn. Đầu giờ chiều, bầu trời được phủ bởi những áng mây đen kịt. Trời bắt đầu mưa, mua tầm tã. Ngày mưa, đường phố cũng vắng bóng người, không còn nghe đâu đó những tiếng thở dài thườn thườn mà thay vào đó là những tiếng lách tách, tong tong liên hồi.

Mưa khiến lòng người dễ chịu hơn hay làm ai đó thêm u buồn? Cuộc sống hiện đại làm con người thêm bận bịu, hối hả và cảm giác con người đến với nhau luôn kèm theo những lợi ích phía sau. Bỏ qua tất cả những tham – sân – si, tôi bước vào cổng chùa, đón tôi là nụ cười hiền hậu của thầy Thích Minh Thịnh – trụ trì chùa Diên Phúc.

1-2-.jpg

Cổng chùa Diên Phúc

Chùa Diên Phúc (thôn Thái Bình, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), nằm bên bờ sông Đuống, tương truyền chùa được xây dựng từ thế kỷ XI, thờ bà Phạm Thị, là mẹ của vua Lý Công Uẩn. Trước kia, đây là thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Sơn, Trấn Kinh Bắc.

“Thái miếu thờ cha, Thái đường thờ mẹ” Thầy Minh Thịnh có khuôn mặt tròn đầy toát lên sự phúc hậu, đôi mắt sáng nhân từ khẽ nói với tôi. Câu hỏi đầu tiên dấy lên trong lòng của một kẻ phàm tục là không biết thầy có phải là bậc chân tu? Hoài nghi và đố kị vốn luôn tồn tại trong tôi và chỉ trực khi nào có cơ hội là lại dấy lên. Và nhất là sau những tai tiếng không hay gần đây về những bậc tu hành đội lốt thì điều tôi hoài nghi ấy cũng chỉ là sự đề phòng chính đáng.

2-1-.jpg

Lầu Quan Âm trong chùa

Tôi được nghe nhiều người nói “ta không có tâm hại người, nhưng phải có tâm đề phòng người”. Như đoán được thâm ý của kẻ phàm mới bước qua cổng chùa, thầy Minh Thịnh khẽ cười nói “Gặp bậc thiện hữu tri thức đã khó, gặp bậc chân tu càng khó hơn. Tôi không dám nhận mình là bậc chân tu”.

Thầy nói tiếp: “ Phật cao nhất trượng, ma cao nhất trích - tức là phật đã cao, ma còn cao hơn. Trong người chúng ta, ai cũng có phật và ma. Lúc nào vui vẻ, hoan hỉ, niềm nở thì phật xuất hiện. Lúc nào đau khổ, phiền não, tham lam, sân si thì ma xuất hiện.” Nghe thầy nói như mở ra một trong tôi một miền đất mới, thật khó diễn tả nhưng sự hoài nghi (tức ma - theo tôi hiểu) bỗng vụt tắt nơi cửa Phật.

Đời người chỉ qua một hơi thở mà thôi

“Chùa Diên Phúc là một ngôi chùa cổ, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với sự phát triển của vương triều nhà Lý. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ nhiều văn bia rất có giá trị liên quan đến nơi phát tích của dòng họ Lý. Năm 1992, Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2010, chùa được gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”thầy Minh Thịnh cho biết.

3-1-.jpg

Lầu chuông được tọa trên mặt hồ nước

Trước kia, chùa Diên Phúc đúc quả chuông đồng “Diên Phúc Tự Chung” (chuông chùa Diên Phúc) đúc vào ngày lành, tháng giêng, năm Minh Mệnh thư hai (1821. Đến năm Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1887) có sự biến động lớn, do nhu cầu cấp thiết đúc tiền nên đã thu chuông đồng khắp thiên hạ, do đó chuông chùa Diên Phúc cũng bị thu.

Năm Minh Mệnh thứ hai, trụ trì chùa Tỷ Khiêu Diệu Bảo Thích Lãng đã phát nguyện tâm phúc, khuyên dân trong ấp cùng thiện nam, tín nữ thập phương quyên góp của cải mua đồng, thuê thợ về đúc quả chuông “Linh Ứng Tự Chung”.

Hiện nay, điều đặc biệt là quả Chuông chùa Diên Phúc và tượng Phật Quan Âm đều tọa lạc trên hồ nước. Thầy Thích Minh Thịnh nói về tiếng chuông chùa: “ Thỉnh một tiếng chuông, nước từ lầu chuông vận hành sang lầu Quan Âm. Khi đánh tiếng chuông thẩm thấu lên 9 tầng trời hoan hỉ. Thẩm thấu xuống 36 tầng địa ngục đều siêu thoát. Nghe thấy tiếng chuông phiền não nhẹ, trí tuệ lớn, bồ đề sinh, lìa địa ngục.

Tiếng chuông chùa là tiếng chuông thức tỉnh từ cõi mê trở về cõi giác. Con người đau khổ là do tham, sân, si và khi nghe thấy tiếng chuông chúng ta như được trở về, nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để bỏ điều ác, làm điều lành”.

4-1-.jpg

Năm 2010, chùa được gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội

Chuông là một nhạc cụ, được đúc bằng kim loại và phát ra âm thanh đơn giản. Hình dáng của nó được làm theo các hình tháp hay hình chén rỗng.. Một tiếng chuông chùa mà bao hàm nhiều đạo lý thâm sâu.

Trời đã xẩm tối, tôi chào thầy ra về, cũng lúc những tiếng chuông chùa ngân vang. Điều thầy nói với tôi như cùng tiếng chuông chùa tan lẫn vào thinh không: “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng miểm cười. Đời người chỉ qua 1 hơi thở mà thôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng chuông chùa Diên Phúc