Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ... "ao làng"?

Nhật Minh| 11/05/2016 07:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có một dạng thất nghiệp “gia truyền” khiến nhiều nhà tuyển dụng lắc đầu trước khả năng “ảo tưởng sức mạnh” của ứng viên: Tôi bằng cao, khả năng tốt, trường tốp, sao lại trả lương bèo?

Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ...

Ảnh minh họa

Khoảng giữa tháng 4 vừa qua, dư luận cả nước choáng váng trước thông tin: Chỉ với 1,5 ngày, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho ra lò một tiến sĩ. Dự kiến, trong năm 2016, sẽ có thêm 260 tiến sĩ, 1.600 thạc sĩ được đào tạo lại “lò tiến sĩ” này.

Nghĩ cảnh các sĩ tử ăn trực nằm chờ, bố mẹ thì lo lắng đến mất ăn mất ngủ mỗi khi kỳ thi Đại học, cao đẳng đến thì có vẻ như để sở hữu tấm bằng công nhận học vị thạc sĩ, tiến sĩ trong tay còn dễ hơn cả thi vào đại học, cao đẳng?! 

Choáng. Sốc. Không thể tin được… Rất nhiều những từ ngữ diễn tả sự ngạc nhiên đến mức… vỡ òa cảm xúc xuất hiện trên một loạt báo lớn, báo nhỏ, từ chính thống đến lá cải. Tất nhiên, đấy là cảm giác của truyền thông, chứ với một số học giả, chẳng có gì đáng ngạc nhiên đến mức như vậy.

Học cao để tránh… thất nghiệp!

Học lên cao để có thêm kiến thức, xin việc dễ hơn, nhiều công ty săn đầu người để mắt hơn. Nên quá đi chứ! Ấy thế nhưng, có một kiểu mà báo chí đã nói đi nói lại nhiều lần, và người viết từng chứng kiến, đó là: Học lên cao chỉ là phương án “cuối cùng” khi chưa có nơi nào tuyển, hoặc chưa tìm được việc ưng ý - gọi chung là thất nghiệp. Học cao là “cứu cánh” để tránh... thất nghiệp!

Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ...

Theo số liệu công bố cuối tháng 12/2015, cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người). Ảnh minh họa

Cuối tháng 12/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố một con số đáng giật mình: cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người)! Theo đánh giá, số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm tăng đáng kể so với 119.000 người của quý trước đó. Ngoài ra còn có tới 117.300 người có trình độ cao đẳng cũng thất nghiệp.

Vậy là, cứ học, học nữa, học mãi. Học cho đến khi nào có việc thì thôi? Tất nhiên, đó là với những người có điều kiện kinh tế - tạm gọi là có thể lo cho con học tiếp. Còn trên thực tế, nhiều cử nhân, thạc sĩ phải chấp nhận giấu bằng, “học liên thông trở lại” để có một nghề kiếm sống, lo cho bản thân (chứ chưa nói gì đến lo cho gia đình, bố mẹ).  

Học cao để ngồi “ghế” ngon?

Một thực tế ấy là có những trường hợp sau khi đi làm, đến đợt nâng lương thì hệ số thấp hơn cả nhân viên mới vào vì... bằng cấp thấp hơn. Hoặc đến kỳ cất nhắc vị trí nào đó, những người có kinh nghiệm cũng như ngồi trên đống lửa vì độ cao - thấp của tấm bằng.

Thí sinh miền núi, là con có bố mẹ thuộc diện chính sách thì sẽ được cộng điểm khi thi; trong 4 năm học THCS đều đạt học sinh giỏi sẽ được cộng điểm khi xét tuyển vào cấp 3; thi học sinh giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế, được cộng điểm hoặc tuyển thẳng… Ấy là một số ưu tiên khiến nhiều bậc phụ huynh sốt xình xịch khi đến cuối năm học, con ngấp nghé xếp… học lực khá.

Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ...

Học lên cao để được thăng tiến. Ảnh minh họa

Đó mới chỉ là học sinh. Còn ở nhiều cơ quan, kỳ xét nâng lương cũng căng thẳng lắm. Hệ số quan trọng, lại không chỉ dựa vào năng lực. Nhiều vị có thâm niên chục năm trời ấm ức khi nhân viên mới chân ướt chân ráo vào làm đã có hệ số lương cao hơn mình, cùng một loạt chế độ khác. Vì sao? “Cháu đang học lên tiến sĩ cô ạ”. Còn cô thì mới chỉ tốt nghiệp cao đẳng thôi. Ngậm ngùi cay đắng!

Lại nữa, sếp nào chuẩn bị về hưu, những ứng viên sáng giá có thể được cất nhắc sẽ phải chuẩn bị từ khi sếp mới được bổ nhiệm thêm nhiệm kỳ mới. Đường đi nước bước, thông tin cập nhật liên tục. Chưa tính chuyện hành lang, hồ sơ nhất định phải “đẹp”. “Ông kia tốt nghiệp tiến sĩ rồi, liệu làm sao thì làm!”. Có người nhắc nhở, vậy thì không thể ngồi yên.

Luận văn “gắn nhãn”?

Khi thông tin về “lò đào tạo tiến sĩ” làm nhiều người choáng thì có người bình thản chỉ ra: Xin đừng nhìn một cách phiến diện. Thậm chí, tác giả một bài viết đăng tải trên VnExpress cho biết, số lượng tiến sĩ ở Mỹ nhiều hơn gấp 41 lần Việt Nam nếu tính theo bình quân đầu người. Vì thế, thông tin cứ 1,5 ngày sẽ cho ra lò một tiến sĩ chẳng có gì là quá và lạm phát!?

Thế nhưng, như phân tích của tác giả bài viết, cái lạm phát có lẽ là “nội dung của các đề tài nghiên cứu tiến sĩ và thái độ của người dân đối với học vị này”. Chất lượng của các công trình nghiên cứu ra sao? Quá trình tìm kiếm dữ liệu, tổng hợp, phân tích có đảm bảo chính xác, khách quan, kết luận có phù hợp với dữ liệu ban đầu không, hay lại như một số phóng viên phòng lạnh ngồi search Google rồi lắp ghép, nhận định như ở hiện trường...

Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ...

Đau đầu vì chất lượng tấm bằng. Ảnh minh họa

Thậm chí, nhiều người lo ngại, liệu đây có phải là nghiên cứu tổng hợp, copy, xào, đạo như một số câu chuyện dở khóc dở cười trên báo? Ấy là chưa kể đến việc thuê người viết luận văn!

“Tiến sĩ chỉ đơn giản là một người học xong đại học, được nhận vào làm nghiên cứu sinh, chọn một đề tài, tham gia nghiên cứu, rồi viết luận án và bảo vệ... vậy là đã có một tiến sĩ. Một tiến sĩ sẽ có trình độ chuyên sâu về một ngành nhất định. Quan trọng hơn là họ có khả năng nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo trong ngành nghề đấy”, tác giả bài báo viết.

Một cách đơn giản, ngoài những yếu tố cần thiết để được công nhận học vị tiến sĩ, nếu anh là tiến sĩ nha khoa, anh phải được đào tạo chuyên ngành về nha khoa, hiểu biết về nha khoa, tìm tòi, sáng tạo, đưa ra những giải pháp có ích trong hiện tại hoặc có thể áp dụng trong tương lai đối với ngành này…

Tóm lại, cái bằng mà họ được nhận, gọi nôm na như một giấy phép hành nghề (anh học nha khoa chắc chắn không thể yêu cầu anh khám phụ khoa), là “bằng thật”, chứ không thể chỉ là luận văn có gắn tên vị tiến sĩ được công nhận.

Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ...

Công cuộc rải hồ sơ xin việc của những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ còn xa và nhiều gian nan. Ảnh minh họa

Kết

Chúng ta vẫn thường hô khẩu hiệu: “Học, học nữa, học mãi”. Trên báo chí xuất hiện những tấm gương cụ già râu tóc bạc phơ quyết tâm thi tốt nghiệp cấp 3, hay thi vào đại học chỉ để làm gương cho con cháu. Bố mẹ luôn động viên con cái cố gắng học giỏi, sau này ra trường đỡ vất vả… rồi lấy những tấm gương hiếu học tự cổ xưa đến những anh em trong dòng họ nhắc nhở con mình… Thế nhưng, học xong thì sao? Thạc sĩ, rồi tiến sĩ, cuối cùng lại… thất nghiệp.

Thất nghiệp cũng có dăm bảy đường thất nghiệp. Thất nghiệp vì khả năng yếu kém, mà mỉa mai ấy là tiến sĩ… “ao làng”. Còn một dạng thất nghiệp “gia truyền” khiến nhiều nhà tuyển dụng lắc đầu trước khả năng “ảo tưởng sức mạnh” của ứng viên: Tôi bằng cao, khả năng tốt, trường tốp, sao lại trả lương bèo?

Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ...

Thất nghiệp vì... ảo tưởng sức mạnh. Ảnh: TPO

Năm ngoái, trong cuộc trò chuyện với PGS. Văn Như Cương về việc học, đạo học nhân dịp khai giảng qua điện thoại, ông nói, người người, nhà nhà muốn con cái mình là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, ông nọ bà kia. Chung quy cũng chỉ là “hư danh”. Cái hiếu học đó chẳng qua cũng chỉ để ra oai với thiên hạ.

Còn PGS.TS. Trịnh Hòa Bình từng nói, chính tâm lý ích kỷ, “con gà tức nhau tiếng gáy”, “nhà anh cao, nhà tôi phải cao hơn” cũng là nguyên nhân dẫn đến việc học chỉ để làm ông nọ, bà kia, để khoe mẽ, trong khi thực tế năng lực trình độ không có, và cuối cùng là… chẳng để làm gì.

Xin nhắc lại câu nói mà người thầy đáng kính đã gần 80 tuổi của tôi vẫn từng chia sẻ mỗi lần tôi về thăm thầy: “Hiếu học đúng nghĩa không phải lấy bằng cấp mà học để nâng cao chất lượng sống của bản thân, gia đình. Bởi trường học thì nhỏ, còn trường đời thì rộng lớn, chúng ta phải học cả đời. Học vị tiến sĩ xét cho cùng cũng chỉ là chìa khóa, nó có thể mở được một vài ổ khóa chứ không phải mọi ổ khóa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ thất nghiệp vì ảo tưởng trình độ... "ao làng"?