Tiền Giang: Một doanh nghiệp đưa trái cây “bay” đến các thị trường khó tính trong bối cảnh đại dịch Covid -19

Xuân Đào| 08/05/2021 11:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù đại dịch Covid -19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống, xã hội nhất là xuất khẩu hàng hóa, thế nhưng Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường đã khắc phục khó khăn của đại dịch tìm hướng đưa mặt hàng này xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính, đem lại thu nhập cho doanh nghiệp và nông dân.

Dù thời điểm này, dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu, việc xuất nhập hàng hóa rất khó khăn, nhưng mỗi ngày Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đều đưa xuống tàu hơn 70 tấn trái xoài và thanh long xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật.

Đây là một trong những doanh nghiệp gia công trái cây xuất khẩu có sản lượng lớn ở vùng ĐBSCL. Qua 6 năm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính, Công ty Cát Tường đã xây dựng được thương hiệu mạnh với 6 loại trái cây chủ lực là: thanh long, xoài, mít, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa.

29e29b8f-ecc0-481a-94cd-13e757acde07(1).jpeg

Để có đủ sản lượng và chất lượng trái cây phục vụ các đối tác ngoài nước suốt trong năm, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường đã liên kết với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất trái cây ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bao tiêu sản phẩm với khoảng 10.000ha thu hút gần 20 nghìn hộ dân tham gia. Mô hình sản xuất trái cây liên kết với công ty Cát Tường đảm bảo đúng quy trình đưa ra, đạt tiêu chuẩn an toàn nông nghiệp tốt- GAP.

Riêng công ty chủ động nguồn nguyên liệu trồng “mẫu” hơn 100 ha cây thanh long tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tinh Tiền Giang đạt tiêu chuẩn Global GAP. Tại đây còn có Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống cây sạch với diện tích 01ha phục vụ cho người dân trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, công ty đã xây dựng 07 kho lạnh, 01 nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế và đầu tư máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng (công nghệ Nhật) để xử lý trái cây trước khi đóng gói đưa đi xuất khẩu.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường Cát Tường cho biết, vấn đề xây dựng quy trình sản xuất đạt chuẩn là quan trọng được công ty đặc biệt quan tâm; trong đó con giống tốt, sạch bệnh là điều kiện tiên quyết trong chuỗi liên kết sản xuất. Do đó, dù dịch Covid-19 gây trở ngại nhưng chất lượng hành hóa của Cát Tường đạt cao vẫn thu hút được thị trường khó tính và giữ chân được hơn 200 lao động thường xuyên. “Công ty Cát Tường đã làm được mội cái chuỗi. Cái chuỗi này thì công tác giống rất quan trọng, công ty đã có Trung tâm Nghiên cứu giống, làm thế nào cho ra những cái giống mới kháng bệnh.

Đối với những giống cây mà bà con đang trồng khi gặp bệnh thì công ty đưa cán bộ kỹ thuật đến ghi nhận, nghiên cứu, hỗ trợ bà con quy trình vừa đạt tiêu chuẩn đáp ứng cho thị trường mà không bị bệnh. Qua thời gian dài, xuất khẩu gắn với thị trường khó tính thì nhận thấy một điều công tác giống đưa khoa học kỹ thuật vào vùng nguyên liệu sản xuất, thông qua các Hợp tác xã, Tổ hợp tác rất quan trọng. Ông Sang chia sẻ: “Qua 5 năm liên kết sản xuất với công ty Cát Tường, 18 hộ dân của Hợp tác xã Thanh long Trung Hòa, huyện Chợ Gạo đã nhân rộng được 100 ha, với giá bán cao hơn giá thị trường từ 10-20%. Mô hình liên kết này mang tính ổn định, không bị thương lái ép giá khi dịch covid-19 đang bùng phát.

2.jpeg

Ông Mai Công Tiếp, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Trung Hòa, huyện Chợ Gạo phấn khởi: “Từ khi chúng tôi liên kết với Công ty Cát Tường thì đầu ra ổn định giá cả có, chúng tôi làm có kinh tế hơn. Chất lượng trái thanh long đạt, có người bao tiêu thì thoải mái, yên tâm hơn, chứ bán ở ngoài thương lái bấp bênh. Bây giờ đi theo công nghệ do Công ty Cát Tường đưa ra đơn giản, nói chung mình chịu học hỏi, đầu tư sẽ được, quản lý khâu phân thuốc phải đạt, chất lượng đưa ra hơi nghiêm ngặt”.

Hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường đã xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của nước ta; hướng đến nền sản xuất lớn, xanh- sạch gắn với hoạt động du lịch. Trước mắt, công ty lập Đề án xây dựng nhà máy chế biến nông sản có diện tích 20 ha; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Phước tăng cường công tác lai tạo các loại giống cây ăn quả mới, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường cho biết thêm “Định hướng tới của công ty sẽ có Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao, anh em cán bộ kỹ thuật tập trung nghiên cứu, hỗ trợ những khó khăn trong nông nghiệp như sâu bệnh, thời tiết, biến đổi khí hậu…Sắp tới đây, Công ty Cát Tường sẽ đưa ra những giống mới để đáp ứng thổ nhưỡng, biến đổi khí hậu. Công ty luôn quan tâm đến định hướng hỗ trợ nông dân, để làm thế nào thay đổi cách làm trong vùng mình sản xuất để đáp ứng thị trường”.

Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn quả dẫn đầu cả nước với trên 79.000ha, với 11 loại cây chủ lực, cho sản lượng mỗi năm trên 1,5 triệu tấn quả. Toàn tỉnh hiện có 150 cơ sở thu mua, sơ chế trái cây quy mô vừa và nhỏ, 42 hợp tác xã và tổ hợp tác chuyên doanh trái cây và 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với công suất chế biến hơn 50.000 tấn/năm. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trái cây vẫn hoạt động dù có giảm công suất do dịch bệnh; cuộc sống nhà vườn vẫn ổn định.

Những nỗ lực, khắc phục khó khăn trước đại dịch covid-19, của các doanh nghiệp Cát Tường trong việc sản xuất, kinh doanh, cùng chung tay với nhà vườn tỉnh Tiền Giang để đưa trái cây xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới là điều đáng trân trọng. Qua đó, ổn định tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm thu nhập cho công nhân lao động và nhà vườn, phát huy thế mạnh của ngành kinh tế chủ lực đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL.

9781ad58-9f99-4641-b517-5a043406291a.jpeg
525c6b93-c4bb-48d6-ad18-22b68c3a6d75.jpeg
Hình ảnh trái cây được Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường xuất khẩu sang nước ngoài trong bối cảnh đại dịch covid-19.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Một doanh nghiệp đưa trái cây “bay” đến các thị trường khó tính trong bối cảnh đại dịch Covid -19