Để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi rất quan trọng. Và đây sẽ là “mảnh ghép” cuối cùng để chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng, trở lại cuộc sống bình thường mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

tiem-vaccine-cho-tre-em-1-.png

Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

5.png

Trong bối cảnh các nước dần mở cửa trở lại và sống chung an toàn với Covid-19, việc bao phủ vaccine là điều kiện cần thiết.

Cùng với tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho người trưởng thành và thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, nhiều nước cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho đối tượng dưới 18 tuổi, đặc biệt là nhóm tuổi từ 5 đến 11 - coi đây là một phần quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.

PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ em lứa tuổi này.

Hiện nay đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Đây là những vaccine đã được sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.

xanh-duong-xanh-la-toan-giao-duc-thuyet-trinh.png

Thông tin về loại vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, 2 loại vaccine được tiêm là Pfizer và Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Riêng đối với liều tiêm thì vaccine Pfizer có liều tiêm 0,2ml, tiêm bắp; Vaccine Moderna tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại, tiêm bắp.

Theo bà Hồng, khi triển khai tiêm vaccine này cho trẻ em ở một số nước, các số liệu báo cáo cho thấy trẻ có thể gặp một số phản ứng tiêm chủng thường gặp như: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao với liều thứ 2), sưng tại vị trí tiêm.

Phản ứng nặng có thể gặp phải là viêm cơ tim nhưng rất hiếm với tỷ lệ 1/10.000 trường hợp sau tiêm có viêm cơ tim, viêm màng tim. Tuy nhiên, luôn phải có tin thần cảnh giác để tránh sự cố đáng tiếc khi xảy ra phản ứng.

6.png

Từ ngày 11-15/2, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu thập những thông tin khách quan về ý kiến của các tầng lớp nhân dân chung quanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Số lượt người tham gia trả lời là 387.037. Viện Dư luận xã hội đã tiến hành chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng, chọn 18.743 mẫu, đại diện cho các giai tầng và 6 khu vực kinh tế, xã hội của cả nước.

Kết quả 78% ý kiến cho rằng việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi là "Rất cần thiết, cần tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt; coi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vaccine thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi...)". Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 76%.

Đại đa số ý kiến (81%) cho rằng, họ "Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng Covid-19" nếu ngành y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 80%.

Trong số những người sẵn sàng đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Covid-19, đa số ý kiến cho biết họ sẵn sàng cho con, cháu đi tiêm vì: "Mong muốn con, cháu mình được an toàn trước dịch bệnh, nếu có nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi, không bị nặng" (70%).

Tỷ lệ số người "Rất tin tưởng" vào khả năng kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam trong thời gian tới chiếm 72%. Tỷ lệ này tăng cao nhất so với kết quả khảo sát từ tháng 8/2021 tới nay.

tiem10.jpeg
Lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Hùng
7.png

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan.

Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới.

bo-truong.png

Người đứng đầu ngành y tế cũng cho hay, tại Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn thực hiện như các vaccine trước đây. Nghĩa là triển khai theo hình thức tự nguyện, vaccine được cung cấp miễn phí và không bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích người dân tiêm chủng đầy đủ.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Dương Thị Hồng chia sẻ thêm, trước khi triển khai, cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng một lần nữa được tập huấn về sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, thực hành tiêm chủng cũng như hướng dẫn xử trí các phản ứng bất thường có thể xảy ra sau tiêm.

Bên cạnh đó, cán bộ y tế sẽ được tập huấn những nội dung tư vấn hướng dẫn cho phụ huynh, giáo viên, học sinh… về việc theo dõi sức khỏe đúng cách sau tiêm để họ cùng tham gia bảo đảm an toàn tiêm chủng; phát hiện sớm nhất biểu hiện bất thường sau tiêm.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng, chưa có một chiến dịch tiêm chủng nào mà có sự tham gia chỉ đạo rất sát sao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp cũng tham gia vào công tác tiêm chủng an toàn, đã có công tác theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm tốt.

Chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn để bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch Covid-19”, PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định.

8.png

Thông tin về tình hình điều trị cho trẻ em mắc Covid-19, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong thời gian qua, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi mắc Covid-19 chiếm đến 19,3%, trong đó lứa tuổi từ 5-11 tuổi chiếm tới 8%. Vì thế, đây là nhóm tuổi cần được bảo vệ và quan tâm đặc biệt.

Theo ông Điển, do bao phủ được vaccine tốt ở nhóm trẻ trên 12 tuổi nên hầu hết trẻ chỉ mắc bệnh nhẹ. Tuy nhiên, với nhóm trẻ chưa được tiêm chủng, mắc bệnh nền thì cần quan tâm đặc biệt.

Gần đây, bệnh viện cũng đã tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến khám. Sau khi sàng lọc, phát hiện có tới 100 em mắc Covid-19, chủ yếu là trẻ dưới 12 tuổi, chưa được tiêm vaccine.

Trước thực tế còn nhiều phụ huynh lo lắng và băn khoăn việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Trần Minh Điển nhận định: “Đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng. Không chỉ ở các bậc phụ huynh mà cả chúng ta. Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn. Chúng ta cần phải quan tâm, đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em”.

PGS.TS Nguyễn Minh Điển giải thích thêm: “Các bậc phụ huynh lo ngại có phản ứng lâu dài hay không? Có cả những câu hỏi về sinh sản, di truyền. Đây là vấn đề cần hiểu đầy đủ; bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin, khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus.

Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”.

tranminhdien.png

Tại TP. HCM, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, trong cuộc chiến với Covid-19, vaccine là vũ khí quan trọng. Để tiêm cho trẻ em, kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc Covid-19 rất nguy hiểm.

Điều quan trọng là sàng lọc và theo dõi sau khi tiêm. Đồng thời, tổ chức mạng lưới cấp cứu ngay sau khi tiêm, túc trực 24/24h, để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

“Chỉ còn 10% số trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc Covid-19 rất cao, do đó, phải giải thích cụ thể cho phụ huynh yên tâm và có kế hoạch tiêm cụ thể, thận trọng. Nếu 10% trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh. 

Kết luận tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý 2/2022.

Nội dung & Trình bày: Thảo Nguyên

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm vaccine cho trẻ em: Mảnh ghép quan trọng trong “bức tranh” miễn dịch cộng đồng