Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi: Trường hợp nào cần trì hoãn tiêm?

Thảo Nguyên| 02/04/2022 09:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm vaccine trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh.

Đó là thông tin được TS.BS Lê Kiến Ngãi - Bệnh Viện Nhi Trung ương chia sẻ tại Hội nghị tập huấn tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi được Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Theo đó, nhóm trẻ từ 5-11 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vaccine Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine. Hiện có 2 loại vaccine Covid-19 đã được Bộ Y tế đồng ý đưa vào tiêm là vaccine Pfizer (cho trẻ từ 5-11 tuổi) và vaccine Moderna (cho nhóm từ 6-11 tuổi).

"Cần nghiên cứu kỹ các thành phần của vaccine để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm", TS Ngãi thông tin.

vaccine.jpeg
Vaccine Covid-19 Pfizer tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi

Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

"Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính", TS Ngãi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo TS Ngãi, Hội đồng tư vấn vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận và đưa ra khuyến cáo với trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh.

Tuy nhiên, tùy từng tình huống cụ thể, các đơn vị tiêm có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian trên không. Việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc. 

Hội đồng tư vấn cũng khuyến cáo, với trẻ bị hội chứng MIS-C cần trì hoãn đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này. Trẻ phải được thăm khám, theo dõi tại cơ sở khám chữa bệnh để chắc chắn không còn biểu hiện lâm sàng, các cơ quan đều hồi phục hoàn toàn mới có thể tiêm vaccine. 

Các trường hợp cần thận trọng tiêm là nhóm trẻ tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, có rối loạn về tri giác, hành vi, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Những trẻ phải khám, sàng lọc, tiêm tại cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên là nhóm mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc,…), trẻ bị hội chứng MIS-C.

Nói về sự cần thiết tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, GS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ lứa tuổi này có ý nghĩa rất quan trọng, làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng. Việc này góp phần tăng diện bao phủ vaccine trong cộng đồng, góp phần thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo thông tin từ Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, việc tiêm 2 mũi vaccine Pfizer trong vòng 5 tháng giúp làm giảm 31% số trường hợp mắc Covid-19 do chủng Omicron ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi đồng thời giảm 45-51% số trường hợp phải điều trị cấp cứu ở trẻ 5-15 tuổi.

Báo cáo này cũng cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine phòng Covid-19 gây ra các vấn đề lâu dài về khả năng sinh sản ở nữ hoặc nam giới.

Hiện hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có nhiều nước tại châu Á như Nhật Bản, Singapore, Philippines, Malaysia… Ghi nhận thực tế từ các nước đã tiêm vaccine cho nhóm này cho thấy tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19 tương đối thấp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi: Trường hợp nào cần trì hoãn tiêm?