Muốn da mặt luôn căng bóng, cô gái 26 tuổi thường xuyên tiêm filler vào vùng mặt và bị nhiễm trùng, hoại tử một bên má, phải nhập viện.
Ngày 31/8, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình của bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở Bạc Liêu bị áp xe má sau tiêm filler thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt.
Theo lời kể của bệnh nhân, cô làm việc tại Quảng Ninh và "nghiện" tiêm filler để làm căng bóng da mặt. Cô tìm đến spa để tiêm chất này vào má, cứ 6 tháng đến 1 năm cô đi "dặm" lại.
Lần này, cô chỉ tiêm 1cc filler vào má trái. Vài ngày sau, một bên má xuất hiện đau nhức, sưng to. Chịu đựng đau đớn đến ngày thứ 10 cô gái mới đến Bệnh viện 108 thăm khám.
Tại Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, khâu đóng và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh.
Do tổ chức mỡ một bên má bị hoại tử, ngoài nạo mủ ở vùng áp xe, bác sĩ còn nạo sang cả tổ chức da lành vẫn có một ít dịch filler chảy ra. Hiện tại, một bên má của người bệnh không thể trở về bình thường (bị lõm), phải đợi 6-12 tháng mới có thể ghép mỡ tự thân để giải quyết vùng lõm ở má
Theo ThS Lưu Phương Lan - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler là hậu quả của việc vi phạm các kỹ thuật vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn từ những người không có chuyên môn. Biến chứng này xảy ra phổ biến do nhu cầu tiêm filler làm đẹp ngày càng tăng, mang lại lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở, cá nhân bất chấp tiêm cho khách hàng mặc dù trái quy định.
Biến chứng nhiễm trùng filler biểu hiện trong vòng 2 tuần sau tiêm, vi khuẩn nuôi cấy được thường là tụ cầu vàng, E Coli… Trường hợp nữ bệnh nhân nói trên là biến chứng nhiễm trùng do vi khuẩn Klebsiella.
"Phòng ngừa các biến chứng trong sử dụng filler làm đẹp cần được chú trọng. Các sản phẩm filler cần đảm bảo chất lượng được chứng nhận bởi FDA. Trước khi tiêm khách hàng cần được biết rõ về hiệu quả, tác dụng mong muốn, độ bền cũng như rủi ro tiềm ẩn để không lạm dụng tiêm các chất làm đầy. Người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức chuyên môn quy trình thực hiện, phát hiện và xử trí biến chứng để đảm bảo mang lại kết quả thẩm mỹ an toàn tối ưu", BS Lan thông tin thêm.