Nhiều chuyên gia dự báo, cuối quý II, đầu quý III năm nay, một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến, dầu ăn... có khả năng thiết lập mặt bằng giá mới.
Theo giới kinh doanh, từ cuối tháng 4 đến nay làn sóng tăng giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất diễn ra phổ biến gần đây trên thế giới đã gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước.
Thừa nhận thực tế này, trao đổi với báo chí bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho hay, cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều chi phí sản xuất khác như: Vận tải, logistics, công nhân… cũng tăng đáng kể. Trong khi đó, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, kéo dài dẫn tới khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh buộc doanh nghiệp phải hủy bỏ đột ngột các chương trình marketing tại nhiều địa phương dù trước đó đã chuẩn bị đầu tư kinh phí tổ chức... Đặc biệt, doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tài chính lớn khi doanh số giảm nhưng vẫn phải trả các chi phí cố định để duy trì hoạt động.
Còn theo các chuyên gia bán lẻ, nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có dấu hiệu tăng giá là do điện, xăng và giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng. Báo cáo về chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân 4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89% so với cùng kỳ 2020, nguyên nhân chủ yếu là giá gạo, thực phẩm, xăng dầu tăng.
Đồng qua điểm, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, xăng dầu là mặt hàng ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giá hàng hóa, từ cuối tháng 11/2020 đến nay xăng liên tục tăng giá, tại kỳ điều chỉnh ngày 12/5, xăng RON95 đã lên hơn 19.530 đồng/lít, xăng E5 18.500 đồng/lít, so với cùng kỳ năm 2020, xăng đã tăng hơn 60%. Tương tự, từ cuối năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã tăng 1.000-1.500 đồng/kg khiến giá bán thịt gia súc, gia cầm tăng tương ứng.
Khảo sát thực tế tại hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng giá khoảng 10-15% so với tháng 4. Cụ thể trong tháng 4, giá dầu ăn Tường An loại 5 lít chỉ 180.000 - 185.000 đồng/chai, nhưng hiện tăng lên 203.000 - 205.000 đồng/chai...
Hay tại các hệ thống chợ dân sinh, các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/kg. Hiện thịt ba chỉ, sườn thăn có giá 160.000 -170.000 đồng/kg, nạc vai 150.000 -155.000 đồng/kg... Không chỉ chợ truyền thống mà hệ thống siêu thị cũng đã nhận được yêu cầu tăng giá từ các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm Việt và hàng nhập khẩu.
Trước động thái rục rịch tăng giá của các nhà sản xuất, một số hệ thống siêu thị có mạng lưới rộng, có kinh nghiệm phân phối hàng bình ổn giá điều tiết thị trường bắt đầu áp dụng công cụ điều tiết để giữ và bình ổn giá. Đại diện Saigon Co.op thông tin, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông thủy sản, đảm bảo cung ứng, bình ổn giá trong 6 tháng tới. Hệ thống siêu thị Mega Market đã lên kế hoạch dự trữ lượng nhu yếu phẩm trị giá 93 tỷ đồng. Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, hệ thống đại siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp đôi so với tháng thường, đồng thời đề nghị doanh nghiệp cung cấp luôn bảo đảm, bổ sung kịp thời hàng hóa nếu sức mua tăng lên đột biến.