Thực phẩm an toàn và bài toán đầu ra

Lan Trần| 28/07/2016 17:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực tế nhiều sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng đã xuất hiện nhưng có một thực trạng là đầu ra cho những sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần một chiến lược lâu dài…

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được dư luận quan tâm, được các cấp, các ngành đầu tư nhiều thời gian, kinh phí và các giải pháp để cùng chung tay xóa bỏ vấn nạn “thực phẩm bẩn”. Thực tế nhiều sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng đã xuất hiện nhưng  có một thực trạng là đầu ra cho những sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần một chiến lược lâu dài…

“Vàng thau” đang lẫn lộn

Hiện nay, người tiêu dùng đang khát thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng chính người tiêu dùng đang sống trong sự hoang mang khi có những vụ việc thực phẩm bẩn đội lốt thực phẩm an toàn chui vào siêu thị hay những cửa hàng bán lẻ với biển đề thực phẩm an toàn, có kiểm soát.

Thực phẩm an toàn và bài toán đầu ra

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3 %

Hồi năm 2015, vụ việc công ty TNHH Sản xuất và chế biến RAT Ba Chữ lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho một loạt hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đã gây chấn động. Hay như tháng 5/2016, Đội Quản lý thị trường số 32 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra cơ sở cung cấp rau an toàn nằm trên địa bàn đội 3, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, phát hiện có cơ sở dùng rau củ không nguồn gốc đóng gói vào các túi lưới, dán nhãn đảm bảo, để sau đó cung cấp vào một siêu thị lớn….

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc cơ sở kinh doanh “phù phép” biến  thực phẩm không nguồn gốc thành thực phẩm an toàn, đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng “vàng thau” lẫn lộn khiến thực phẩm an toàn gặp khó trong tiêu thụ. Cùng với đó, những con số “biết nói” về vi phạm an toàn thực phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người dân càng mất niềm tin. Theo kết quả giám sát trên diện rộng của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3 %.

Trong khi đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2016 dù có tăng nhưng không đáng kể. Cụ thể, theo Cục quản lý Chất lượng Nông lâm Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), tỷ lệ này là 79,76%, trong khi con số này vào cuối năm 2015 là 78,3%.

Giải pháp  nào cho thực phẩm an toàn?

Chia sẻ trong buổi hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản thực phẩm an toàn”  diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết chính ông đã đến nhiều hợp tác xã có chứng nhận VietGAP đàng hoàng nhưng không ai mua và điều đó khiến cho sản phẩm không an toàn được tiêu thụ. Trong khi đó, người tiêu dùng lại không có được những sản phẩm an toàn cho sức khỏe của chính mình và gia đình.

Để giải quyết vấn đề này, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần đẩy nhanh liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng tới khâu tiêu thụ để đảm bảo hàng hoá chất lượng, nâng cao chất lượng khả năng cạnh tranh của hàng hoá. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện việc công bố địa chỉ bán sản phẩm nông lâm thủy sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Tính đến nay, hiện có 294 chuỗi, thí điểm xác nhận 85 cơ sở kinh doanh sản phẩm chuỗi.

Tại Hà Nội, cũng đã có 4 “Phiên chợ Nông sản, thực phẩm an toàn & Vật tư nông nghiệp” được tổ chức tại khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế & thương mại. Bắt đầu từ 1/8/2016, “Chợ nông sản thực phẩm an toàn & Vật tư nông nghiệp thường xuyên” sẽ diễn ra hàng ngày tại đây nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thực phẩm an toàn và bài toán đầu ra

Để thực phẩm an toàn phát triển cần nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: TTXVN

Tuy đã có nhiều hoạt động thiết thực để đưa thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, nhưng theo ông Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng Nông lâm Thuỷ sản, sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, được đầu tư hạn chế rất khó để tuân thủ đầy đủ và duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Do vậy, muốn duy trì và phát triển thực phẩm an toàn cần tiếp tục rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; Ban hành bổ sung các qui định, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Bênh cạnh đó, cần tạo điều kiện cho người dân nhận biết, ủng hộ tiêu dùng sản phẩm an toàn và người sản xuất, kinh doanh có thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn. Điều này có thể thực hiện thông qua những hình thức tuyên truyền đa dạng và phù hợp như tờ rơi, tờ dán, panô, áp phích, phát thanh, truyền hình… nhằm tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm.

Với việc thúc đẩy sản xuất & tiêu thụ thủy sản an toàn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP)  đề xuất các doanh nghiệp cần liên kết tạo nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng, được kiểm soát. Cùng với đó là việc áp dụng triệt để và ưu tiên kiểm soát ATTP theo HACCP tại nhà máy chế biến bởi đây là mấu chốt để tạo ra sản phẩm an toàn cho người dân. Doanh nghiệp cũng cần kiểm soát chặt và công khai về chất lượng đối với “nguồn nguyên liệu”, đặc biệt là vấn đề “kháng sinh”, “tạp chất” và cần liên tục cải tiến và sáng tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Để thực sự đẩy lùi thực phẩm bẩn, thúc đẩy phát triển thực phẩm an toàn, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam cần nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng.  Bên cạnh đó, là công tác truyền thông để hàng nông sản sạch lấn át sản phẩm chưa sạch. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tham vấn cho Chính phủ hoàn thiện chính sách, khuyến khích người sản xuất những sản phẩm an toàn, xây dựng mô hình hướng dẫn kỹ thuật để có sản phẩm an toàn đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Bộ cũng sẽ cố gắng giảm tối đa các văn bản thủ tục gây phiền hà cho người sản xuất nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho sản phẩm để đảm bảo gọn nhanh hiệu quả cho các doanh nghiệp và người sản xuất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm an toàn và bài toán đầu ra