Từ xa xưa đến nay, đối với người dân thôn Chỉ Bồ, đền Chòi không chỉ đơn thuần là di tích lịch sử cấp quốc gia mà ẩn chứa trong ngôi đền hàng trăm năm tuổi đấy là những câu chuyện về chiếc giếng “thần” có khả năng chữa bệnh suy giảm và mất trí nhớ.
Giếng đào trên mắt rồng?
Đền Chòi nằm ở rìa làng Chỉ Bồ, hướng mặt ra phía biển, chiếc giếng cổ mà PV muốn nhắc đến nằm trong khuôn viên đền Chòi. Toàn xã Thuỵ Trường có tổng cộng 5 chiếc giếng cổ, có tuổi đời cả trăm năm nhưng chiếc giếng nằm trong khuôn viên đền Chòi được người dân nơi đây cho là thiêng nhất.
Ở một vùng đất nằm ven biển như thôn Chỉ Bồ, nơi mà hằng năm vẫn chịu nhiều đợt xâm nhập mặn của thuỷ triều, thì hầu như những giếng nước cổ nơi đây đều có vị ngang ngang, pha chút mặn. Tuy nhiên, chiếc giếng nằm trong khuôn viên đền Chòi lại cho dòng nước ngọt mát, không bao giờ cạn.
Và đặc biệt, theo nhiều người dân nơi đây, nước giếng còn có khả năng chữa bệnh thuyên giảm trí nhớ, thậm chí là mất trí nhớ. Và trong quá khứ, nước giếng nằm trong khuôn viên ngôi đền còn giúp dân làng vượt qua được vô số căn bệnh quái ác.
Đền chòi
Người dân làng Chỉ Bồ vẫn thường gọi giếng nước này là giếng “mắt rồng”. Khi được hỏi về nguồn gốc của cái tên giếng “mắt rồng”, ông Vũ Văn Bền (78 tuổi, thủ nhang của ngôi đền) kể lại rằng, đền Chòi thờ 2 vị tướng là Điền Tước Đại Vương và Đông Công Nguyên Soái, 2 vị tướng dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông. Hai vị tướng này được giao nhiệm vụ trấn giữ cửa biển Đại Bàng, tức cửa biển Thái Bình ngày nay.
Thân sinh của 2 vị tướng quân là Trần Kỷ và Đào Thị Diệu, do hiếm muộn nên mãi đến năm 60 tuổi mới sinh hạ được 2 vị tại vùng Mai Lĩnh (Hưng Yên ngày nay). Năm đó hạn hán, mất mùa khiến cả gia đình phải dạt đến cửa biển Đại Bàng để sinh sống, sau gây dựng niềm tin và trở thành thủ lĩnh của người dân trong vùng.
“Mùa xuân năm 1285, quân Nguyên - Mông sang xâm lược, 2 vị đã dùng thuyền không, thả trôi trên biển, đánh lừa quân giặc cứu thoát vua Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông. Vua Trần Nhân Tông cảm kích ơn cứu mạng phong cho 2 vị là tướng quân, trấn giữ vùng của biển Đại Bàng.
Mùng 8, tháng 1, năm Mậu Thân (1288), 2 vị cũng chỉ huy người dân đứng lên kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, đánh tan âm mưu vào nước ta qua cửa biển Đại Bàng. Sau khi đánh tan quân Nguyên - Mông, người dân sinh sống quanh cửa biển Đại Bàng gặp phải trận dịch tả, hai vị huy động người dân đào giếng lấy nước cho dân, nhưng tất cả các giếng đều không có nước, giếng nào có thì nước cũng ngang, hoặc mặn chát, không dùng được.
Trong lúc dân làng nguy cấp, 2 vị đã cho mời thầy địa lý về, để chọn lựa chỗ có mạch nước ngầm, đào giếng lấy nước cho dân ăn. Kỳ lạ là sau khi sử dụng nước ở giếng, người dân thấy người khoẻ mạnh, dịch bệnh cũng được đẩy lùi.
Giếng “mắt rồng”.
Trước khi đi, thầy địa lý có nhắn lại cho 2 vị tướng quân: “Đây mà mảnh đất rồng chầu, giếng lại được đào ngay vị trí mắt rồng, nên nước giếng vô cùng quý, có thể chữa được nhiều bệnh tật, giúp ích cho dân”. Sau đó, ông thầy địa lý từ biệt ra đi. Nghe lời thầy địa lý, 2 vị tướng cùng người dân coi nước trong giếng như nước thánh, rất quý giá.
“Trước đây, có một đám người Tàu về đây định yểm chấn khu đất này, chúng cầm một cây kiếm, cắm vào vị trí bên cạnh giếng và bảo lũ trẻ chăn trâu không được rút cây kiếm lên khi đang làm phép. Tuy nhiên, dù cắm sâu quá nửa, nhưng thanh kiếm vẫn trồi lên và đổ. Đám người Tàu sợ quá không dám trấn yểm nữa mà bỏ về nước”.
Nước giếng có thể chữa bệnh mất trí nhớ?
Khi được hỏi về khả năng chữa được bệnh mất trí nhớ, ông Bền thật thà: “Nói ra thì các anh nghĩ tôi quảng cáo cho giếng làng mình, nhưng quả thật không lý do vì sao mà những người mắc bệnh liên quan đến chứng mất trí nhớ khi dùng nước giếng để pha trà, nấu nướng đều dần dần hồi phục lại những ký ức của mình”.
Rồi như để minh chứng cho câu nói của mình, ông Bền đi vào trong đền, lấy ra một cuốn sổ ghi công đức đã khá cũ. Ông dò từng hàng chữ rồi dừng lại ở tên người phụ nữ Đỗ Thị Quỳnh Mai, địa chỉ: thôn Đông Ninh, xã Thuỵ Trường, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình). Tiếp đến là tên anh Lưu Quanh Khánh, địa chỉ: xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, rồi tiếp lời: “Đây là số ít những cái tên tiêu biểu nhờ uống nước giếng mắt rồng mà hồi phục bệnh mất trí nhớ. Sau khi đã khỏi bệnh, họ tình nguyện quay lại đây để công đức xây dựng lại ngôi đền. Vì họ đều là những người mắc bệnh nặng nên tôi còn nhớ rất rõ”.
Để tìm lời giải cho câu hỏi: “Có hay không khả năng chữa bệnh mất trí của giếng mắt rồng?”, PV tiếp tục đến nhà bà Đỗ Thị Quỳnh Mai theo địa chỉ mà ông Bền cung cấp lúc trước.
Bà Mai năm nay đã ngoài 50 tuổi, khi được hỏi về bệnh mất trí nhớ của mình, bà Mai tâm sự: “Nghe những người trong nhà kể lại, năm 2009, trong một lần đi thăm gia đình người con trai, tôi có bị tai nạn xe khách. Qua quá trình chạy chữa, các bác sỹ kết luận tôi bị va đập mạnh ở vùng đầu dẫn đến việc mất trí nhớ. Gia đình cũng chạy chữa, nhưng bệnh tình tôi không thuyên giảm, ngay cả đến chồng, con mình tôi cũng không thể nhận ra”.
“Chứng bệnh của tôi kéo dài đến năm 2010, tưởng như tôi sẽ vĩnh viễn mất đi trí nhớ, nhưng may sao có người cùng xóm giới thiệu sang thôn Chỉ Bồ xin nước ở giếng “mắt rồng” để uống. Bán tín bán nghi nhưng người nhà vẫn đưa tôi đến xin nước để chữa bệnh. Thế rồi sau 4 tháng kiên trì xin nước về uống, tự nhiên trí nhớ của tôi lại được phục hồi. Gia đình phấn khởi và muốn cảm tạ ngôi đền thiêng, nên mặc dù đã có tuổi, nhưng năm nào tôi và các con cũng phải sang đấy một lần để lễ bái, góp công đức và xin nước tại giếng mắt rồng”, bà kể tiếp.
Ngồi cạnh nghe vợ kể chuyện, ông Phan Văn Huynh cho biết thêm: “Vợ tôi khỏi hẳn bệnh từ mấy năm nay. Mặc dù không tin những chuyện ma mị, thần linh nhưng tôi không thể lý giải được vì sao nước giếng đó lại hiệu nghiệm đến vậy. Tất nhiên không chỉ có uống nước giếng “mắt rồng”, bà nhà tôi cũng phải điều trị nữa nhưng không thể phủ nhận được khả năng kì lạ của nước giếng mắt rồng”.
Cũng giống như trường hợp của bà Mai, anh Lưu Quang Khánh cũng bị căn bệnh mất trí nhớ trong một tai nạn ngã dàn giáo. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chữa trị nên hầu như anh Khánh không sử dụng bất cứ một phương thức điều trị nào. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chịu khó đi lại xin nước ở giếng “mắt rồng” về uống, trí nhớ của anh Khánh bỗng nhiên được phục hồi. Năm 2012, đền Chòi được người dân góp tiền vào để tu sửa cho khang trang hơn, do không có nhiều tiền để đóng góp, mong cảm tạ thần linh đã cho anh có lại được trí nhớ, anh Khánh lặn lội từ Hưng Yên tìm đến xã Thuỵ Trường xin ở lại trong đền để phụ giúp việc tu sửa đền. Đến khi việc tu sửa được hoàn tất, anh mới xin phép ra về.
Không chỉ có công dụng chữa bệnh mất trí nhớ, nhiều người lớn tuổi trong làng còn kể lạ rằng, trẻ em bị bệnh ngoài da, lở loét, đến đền xin nước ở giếng “mắt rồng” về tắm rửa bệnh tình cũng đều thuyên giảm.
Khó lý giải việc có hay không công dụng của nước giếng “mắt rồng” Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thuỵ Trường cho biết: “Nước giếng “mắt rồng” có khả năng chữa bệnh được người dân truyền tai nhau nhiều năm nay. Bản thân tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp lặn lội đường xa đến đóng góp công đức để tỏ lòng biết ơn khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, việc có hay không khả năng chữa bệnh của nước giếng mắt rồng vẫn chưa thể kết luận được. Trước tình trạng những ngày lễ hội du khách kéo đến đền cúng bái và xin nước giếng mắt rồng rất đông, chính quyền xã cũng vận động bà con không nên tung tin đồn khi chưa biết rõ thực hư, để ổn định tình hình an ninh trật tự trong xã”. |