Thực hiện quyền của trẻ em: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc

Hương Lan| 19/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những thành tựu của Việt Nam trong thực hiện quyền trẻ em qua 25 năm tham gia Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em đã được ghi nhận và đánh giá rất cao.

Hoàn thiện  chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2014 với chủ đề “Hình dung mới về tương lai: Đổi mới sáng tạo cho mọi trẻ em”.

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1989. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào năm 1990. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm 75% và hầu hết các trẻ em đều được đi học tiểu học. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000 và xóa bỏ bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005.

Thứ trưởng Bộ LĐ - TB và XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào giai đoạn xây dựng kế hoạch cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2014 là một báo cáo có ý nghĩa để Việt Nam biết được vị trí, kết quả của việc thực hiện quyền trẻ em Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ LĐ - TB và XH tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em, trong đó quan tâm đến đảm bảo các chính sách, dịch vụ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số; tăng cường sự tham gia của trẻ em, của cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Thực hiện quyền của trẻ em: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc

Ở Việt Nam, hầu hết các trẻ em đều được đi học tiểu học 

 

 Nhân dịp này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã nhấn mạnh một số giải pháp sáng tạo mà Việt Nam đã thực hiện nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em như: Thực phẩm chức năng trị bệnh ăn liền do Viện Dinh Dưỡng sản xuất với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Sản phẩm này đã góp phần tích cực trong việc điều trị suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em một cách hiệu quả và lâu dài. Hiện nay sản phẩm này đang được kiến nghị bổ sung vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Trường Phổ thông dân tộc bán trú do cộng đồng và cha mẹ trẻ em dân tộc thiểu số khởi xướng xuất phát từ thực tế đặc điểm địa lý của vùng núi xa xôi hẻo lánh. Sau một thời gian, mô hình này đã cho thấy một giải pháp hiệu quả để tăng tỷ lệ trẻ em đi học và nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em. Mô hình này đang được Nhà nước công nhận, hỗ trợ và đã mở rộng từ 13.230 học sinh ở hai tỉnh ban đầu năm học 2010-2011 đã lên đến 128.643 học sinh ở 26 tỉnh năm học 2013-2014. Cuộc thi lập trình trên thiết bị di động đầu tiên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc vào năm 2013 tập trung vào đề tài sáng tạo cho trẻ em. Trong bối cảnh mạng lưới viễn thông và internet phát triển nhanh ở Việt Nam, cuộc thi là một nỗ lực nhằm phát triển ứng dụng phần mềm di động thử nghiệm để có thể phát hành rộng rãi miễn phí thông qua nền tảng mã nguồn mở cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên xã hội và những người sử dụng thiết bị di động.

Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh

Tại Lễ giới thiệu “Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức vừa qua, ông Jesper Moller - Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng về phát triển kinh tế trong những năm gần đây, chúng ta cần phải đảm bảo rằng những tiến bộ này đem lại lợi ích cho trẻ em, trong các lĩnh vực như sự sống còn, phát triển, bảo vệ và tham gia của trẻ. Rất nhiều trẻ em Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các thách thức đặt ra từ phát triển kinh tế như di cư, bất bình đẳng gia tăng, cấu trúc gia đình bị phá vỡ và giảm liên kết xã hội. Những thách thức này vừa đặt ra cơ hội vừa đặt ra trách nhiệm cho toàn xã hội phải hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em một cách hiệu quả hơn.

Quyền Trẻ em và các Nguyên tắc kinh doanh (gọi tắt là bộ Nguyên tắc) được UNICEF, UN Global Compact và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp xây dựng với 10 Nguyên tắc hướng dẫn các doanh nghiệp tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em thông qua việc lồng ghép các Nguyên tắc này vào các chiến lược và hoạt động kinh doanh cốt lõi. Bộ Nguyên tắc xác định những hành động mà tất cả các doanh nghiệp cần làm nhằm tôn trọng quyền trẻ em, đó là ngăn chặn và giải quyết các tác động tiêu cực tới quyền con người của trẻ em, cũng như những biện pháp mà các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quyền trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân vào các thành tựu về quyền trẻ em của Việt Nam. Hàng năm, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, các doanh nghiệp trong và nước ngoài đã đóng góp xấp xỉ 60 tỷ đồng.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng kêu gọi sự chia sẻ và tham gia nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp đối với việc thực hiện quyền trẻ em. Các doanh nghiệp cần nhận thức về tác động kinh doanh tới quyền và phúc lợi trẻ em, nỗ lực thực hiện vì lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và của cộng đồng xã hội. Bộ LĐ-TBXH sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu và thúc đẩy quyền trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện quyền của trẻ em: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc