Thúc đẩy bình đẳng giới đối với lao động nữ

Song Hải| 01/05/2020 08:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những trọng tâm mà Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm trong xây dựng chính sách là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận, tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phụ nữ Việt Nam đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Pháp luật về lao động sửa đổi hướng tới đảm bảo rằng phụ nữ có thể nhận được thành quả xứng đáng cho những đóng góp của mình, thông qua giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Thúc đẩy bình đẳng giới đối với lao động nữ

Ảnh minh họa

Bất bình đẳng trong môi trường làm việc

Trong những năm qua, xây dựng và hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới là một trong những trọng tâm mà Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận, tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới đã được rút ngắn đáng kể.

Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm đã đạt được chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Năm 2018, tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp và xếp thứ 06/57 quốc gia trên thế giới được xếp hạng, đưa nước ta trở thành quốc gia duy nhất của châu Á có mặt trong top 10 quốc gia cao nhất toàn cầu về chỉ số này. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 27,2%, cao hơn mức trung bình của Châu Á là 19% và mức 21% của toàn cầu.

Việt Nam cũng là một trong top 10 quốc gia thực hiện tốt Mục tiêu Phát triển bền vững số 05 của Liên hợp q uốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng luôn ở mức cao, khoảng 71,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (61,1%) và thế giới (49,6%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác việc làm cho lao động nữ cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đảm bảo tính bình đẳng thực sự cho lao động nữ. Tại Báo cáo 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Tình trạng nghỉ việc của lao động độ tuổi từ 35 trở lên tại các khu công nghiệp và chế xuất, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề lớn trong thị trường lao động hiện nay. Việc chuyển đổi nghề nghiệp và học nghề đối với nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn về tài chính và thời gian, vì vậy phần đông lao động nữ sau khi mất việc làm thường trở về quê hương làm các công việc tự do, không ổn định.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ với nhiều cơ hội và thách thức về việc làm đối với lao động nữ, tuy nhiên đến nay chưa có sự chuẩn bị tốt các chính sách ưu đãi về đào tạo, nâng cao trình độ để lực lượng lao động nữ đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Mặc dù vậy, phụ nữ vẫn chưa được đền đáp bằng sự bình đẳng. Hiện người lao động nữ làm công ăn lương tại Việt Nam có thu nhập trung bình tháng thấp hơn nam giới khoảng 11% và tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí quản lý chưa đầy 28%.

Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt của lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Hiện cả nước có 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 324 khu công nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm đa số. Phần lớn công nhân lao động đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ với chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Các khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con công nhân, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt tinh thần cho công nhân. Điều kiện sinh hoạt hạn chế, không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho công nhân sau giờ làm việc, ảnh hưởng đến sự hồi phục, tái tạo sức lao động...

Và trên thực tế, lao động nữ khi tham gia tuyển dụng gặp khá nhiều rào cản: Về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm; các quy định về tiền lương và tiền công bảo đảm được tính công bằng không có sự phân biệt đối xử về giới, song, trung bình tiền lương chính của lao động nữ vẫn thấp hơn so với lao động nam do nữ giới có trình độ trung bình thấp hơn so với nam giới nên phải làm những công việc có lương thấp hơn so với nam.

Trong bối cảnh hiện nay, có những quy định bảo vệ lao động nữ nhưng có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế như cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Một số biện pháp bảo vệ lao động nữ nhưng đến nay chúng ta thấy đó lại là những quy định thể hiện định kiến giới như chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm… chỉ được quy định đối với lao động nữ mà không được quy định đối với lao động nam.

Từ bảo vệ đến trao quyền

Bình đẳng giới trong lao động và việc làm gồm 3 nội dung chính:  Đảm bảo cơ hội ngang bằng cho cả nữ giới và nam giới trong lĩnh vực lao động và việc làm, bao gồm cơ hội trong việc tiếp cận các nguồn lực đầu tư cho “vốn con người”, các nguồn lực sản xuất, cơ hội được tham gia thị trường lao động và có được việc làm phù hợp với khả năng, sở thích và có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân;

Từng bước xóa bỏ những khác biệt trong vai trò và nhu cầu giới giữa nam và nữ không do đặc điểm sinh học khác gây nên, đồng thời bù đắp cho những bất lợi mà nữ giới hay nam giới phải chịu do những đặc tính sinh học tạo nên trong lĩnh vực lao động và việc làm.

 Kiên quyết loại bỏ sự phân biệt đối xử theo giới trong lĩnh vực lao động và việc làm, có nghĩa là xóa bỏ mọi rào cản để nữ giới và nam giới phát huy được tiềm năng của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Được thông qua vào tháng 11/ 2019, Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam hướng tới giải quyết các khoảng cách về giới còn hiện hữu. Là văn bản pháp luật toàn diện nhất điều chỉnh các vấn đề về lao động việc làm tại Việt Nam, Bộ luật chạm tới một số lĩnh vực đang tồn tại bất bình đẳng, như vấn đề thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu. Bộ luật Lao động mới giảm số năm chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ từ 5 xuống còn 2 năm. Khi Bộ luật có hiệu lực từ tháng 1/2021, tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ sẽ tăng dần đến 60 tuổi, thay vì 55 tuổi như hiện nay. Các điều khoản trong Bộ luật Lao động sửa đổi cũng giúp giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ, bảo vệ tốt hơn người lao động nữ trong quá trình mang thai và nuôi con nhỏ. Nhiều nghề hoặc công việc lúc trước cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ họ thì giờ đây đã mở cửa với nữ giới và cho họ quyền lựa chọn làm hoặc không làm.

Nhiều quy định trong Bộ luật đã được thay đổi theo cách tiếp cận mới hướng tới thúc đẩy sự bình đẳng giới thực chất; loại bỏ những quy định tạo ra rào cản việc làm đối với lao động nữ; bổ sung các quy định về quyền, trách nhiệm cho lao động nam để vừa đảm bảo quyền lợi của lao động nam vừa thúc đẩy việc chia sẻ công việc gia đình giữa lao động nam và nữ; góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của lao động nam và nữ.

Trong đó, tiếp tục khẳng định chính sách và các biện pháp của Nhà nước Việt Nam bảo vệ lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới và các công ước liên quan đến tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Bộ luật Lao động (sửa đổi) là cơ hội để hoàn thiện chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, là lúc Việt Nam thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận đảm bảo quyền đối với mọi người lao động, cả nam và nữ.

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế nên cần phải có quan điểm và thực hiện đồng bộ 6 giải pháp cơ bản: Nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; động viên bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy bình đẳng giới đối với lao động nữ