Tại buổi làm việc với lãnh đạo Thanh Hóa, lưu ý tỉnh cần chú trọng chuẩn bị tốt các điều kiện để hội nhập, Thủ tướng còn nhấn mạnh: Thanh Hóa phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống tình trạng “sân trước, sân sau”, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết.
Chiều 26/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để đánh giá tình hình, góp ý với tỉnh, tìm ra những hướng đi đột phá về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thuộc diện lớn nhất cả nước.
Theo báo cáo được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trình bày tại buổi làm việc, 9 tháng đầu năm 2016, kinh tế-xã hội Thanh Hóa tiếp tục ổn định và có bước phát triển với mức tăng GRDP ước đạt 8,06% là mức tăng cao trong điều kiện còn nhiều khó khăn; thu ngân sách nhà nước đạt 8.484 tỷ đồng. Công tác vận động, xúc tiến đầu tư và hoạt động kinh tế đối ngoại tiếp tục được tăng cường với 158 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 18.361 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn đăng ký đầu tư so với cùng kỳ. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) để nghiên cứu đầu tư Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bến En với tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng. Thanh Hóa ước tính, năm 2016, sẽ đạt mức tăng trưởng 9,07%, vượt mục tiêu 9% theo kế hoạch đã đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.648 USD (kế hoạch là 1.630 USD).
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Quang Hiếu
Báo cáo cũng cho thấy, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh đã tổ chức rà soát tổng thể cơ cấu, tổ chức hệ thống cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và tổ chức đoàn thể, đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã để tăng cường quản lý và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.
Khó khăn của Thanh Hóa là chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nhìn chung còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tể - xã hội còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư vào địa bàn; một số lĩnh vực văn hóa - xã hội còn hạn chế; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng miền; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; lực lượng doanh nghiệp phát triển khá nhanh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết; kết quả xoá đói, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình của cả nước. Ngoài ra, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số lĩnh vực, ngành, địa phương còn bất cập. Công tác dân vận có lúc, có việc còn lúng túng; nắm tình hình nhân dân chưa sát, tham mưu giải quyết các vụ việc nảy sinh còn chậm. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kết quả chưa cao; tổ chức, bộ máy một số cơ quan nhà nước còn bất cập; cải cách hành chính có mặt chưa đạt yêu cầu.
Chuẩn bị tốt điều kiện để hội nhập
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, là một tỉnh lớn của cả nước Thanh Hóa đã xây dựng một số mô hình quản lý, phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá tốt. Kết quả kinh tế-xã hội vượt chỉ tiêu trong bối cảnh khó khăn của cả nước. Đây là thành tựu đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa.
Đánh giá các điều kiện lợi thế lợi thế đặc biệt của Thanh Hóa như "một Việt Nam thu nhỏ", Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung xây dựng các chủ trương, giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng to lớn của tỉnh nhà.
Thủ tướng cho rằng, là tỉnh lớn, với dân số trên 3,5 triệu người, quy mô kinh tế của Thanh Hóa còn nhỏ và vẫn cần trợ cấp từ ngân sách Trung ương tới 50%. Nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới bằng 75% mức bình quân của cả nước. Tính bình quân 475 người dân mới có một doanh nghiệp trong khi tỉ lệ này của cả nước là 160 người dân có một doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở Thanh Hóa chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ.
Từ việc chỉ ra các mặt tích cực và bất cập, hạn chế của Thanh Hóa, Thủ tướng nhấn mạnh: Tỉnh phải phát huy truyền thống quý báu của mình, tự lực, tự cường, phấn đấu trở thành một tỉnh khá.
Từ lợi thế so sánh, Thanh Hóa cần chuẩn bị điều kiện để hội nhập tốt hơn nữa. “Một câu hỏi đặt ra là khi hội nhập, nhất là khi có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì người dân, doanh nghiệp Thanh Hóa phát triển theo hướng nào? Nếu không trả lời được thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa cần làm tốt quy hoạch để không có sự mâu thuẫn trong phát triển. Trong lãnh đạo, điều hành, lưu ý bảo đảm nguyên tắc thị trường. Xã hội hóa mạnh mẽ mọi nguồn lực, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đổi mới tư duy phát triển, tìm mô hình phù hợp, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế đi liền với ổn định xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội. Giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm môi trường sống bình yên cho nhân dân.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, tăng giá trị chăn nuôi, phát triển thủy sản, đưa doanh nghiệp về nông thôn. Triển khai các biện pháp để phát triển vùng miền Tây Thanh Hóa hiện còn nghèo khó. Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo ở Thanh Hóa xuống dưới mức bình quân của cả nước.
Chống tình trạng “sân trước, sân sau”
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, Thủ tướng cho rằng, đối với một tỉnh, thì đội ngũ cán bộ tốt, cơ chế tốt, sẽ phát triển tốt.
Phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống tình trạng “sân trước, sân sau”, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết. Sự đoàn kết này phải từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, trong UBND, trong các huyện, thành phố của Thanh Hóa, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thanh Hóa cần nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của người dân, doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển. Quản lý chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết không phê duyệt và khởi công mới các dự án khi chưa xác định được nguồn vốn, không để phát sinh nợ mới; quản lý chặt chẽ ngân sách, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của nhà nước.
“Cần tiếp tục suy nghĩ để phát huy tiềm năng, lợi thế của một Việt Nam thu nhỏ”, Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu Thanh Hóa tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực hoàn thành cao nhất mục tiêu đã đề ra cho năm 2016 và các năm tiếp theo.