Thủ tướng: Phát động chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; tiếp tục tập trung phòng, chống dịch

Thảo Nguyên| 20/01/2022 19:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 20/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân, từ ngày 1-28/2, đồng thời đề nghị ngành y tế thực hiện tiêm vaccine Covid-19 xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ngày 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

chinh.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021 là năm đánh dấu các làn sóng dịch bùng phát với quy mô và cường độ dữ dội hơn năm 2020 trên toàn cầu. Ở nước ta, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu vào các cộng đồng dân cư, đô thị lớn.

Các tỉnh Đông Nam bộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của làn sóng thứ 4, vượt xa năng lực hiện hữu của hệ thống y tế các địa phương này. Số ca nhiễm, đặc biệt là số ca nhiễm cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên toàn bộ hệ thống cung ứng dịch y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm.

Từ đầu dịch đến hết ngày 31/12/2021, Việt Nam có 1.731.257 ca nhiễm, 32.394 ca tử vong. Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát, quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Tính trên 1 triệu dân, Việt Nam có số ca mắc xếp thứ 144/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 9/11 nước khu vực ASEAN; số tử vong xếp thứ 131/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 6/11 nước khu vực ASEAN. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 1,9%, xếp thứ 58/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 3/11 quốc gia trong khu vực ASEAN.

Trong thời khắc khó khăn nhất, lãnh đạo, ngành y tế đã giữ được bản lĩnh, bình tĩnh để cùng các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chúng ta không tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà tăng cường các biện pháp giãn cách và áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng chống dịch. Đây là một quyết định rất khó khăn nhưng phù hợp tình hình và đã khẳng định hiệu quả.

Chúng ta nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, đưa dịch vụ y tế đến cơ sở để người dân tiếp cận nhanh nhất các biện pháp y tế, thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động trong thời gian rất ngắn, không để đổ vỡ hệ thống y tế trên cả nước, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh tâm dịch trong tháng 8, tháng 9, kịp thời điều động hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương.

Đồng thời, chúng ta xây dựng và quyết liệt triển khai chiến lược vaccine, thành lập quỹ vacccine, thúc đẩy ngoại giao vaccine, bằng mọi biện pháp có thể (mua, vay, mượn...) để đưa vaccine về nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.

Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, ở thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát, ngày 27/4 mới có 320.000 liều vaccine được tiêm, đến nay Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt, đặc biệt là tại TP.HCM.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn, Cùng đó, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

"Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

chinh2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xem xét, công nhận thuốc và vaccine trong nước nhanh nhất về thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu khoa học, an toàn, hiệu quả

Thần tốc tiêm vaccine để "mở cửa" an toàn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực của toàn ngành y tế nói chung cũng như sự đóng góp quên mình của các cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch nói riêng, đồng thời nhấn mạnh 5 bài học được đút rút qua hoạt động chống dịch thời gian qua.

Đó là cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư. Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn, từng thời điểm khó khăn, chúng ta phải bình tĩnh, có những quyết định quan trọng. Ngoài ra, cần có cách tiếp cận đúng, chọn cách tiếp cận toàn dân, tiếp cận từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung cho chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu. Lưu ý các địa phương không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế; Tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.

Yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương làm sớm, làm ngay, làm khẩn trương việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; ngay sau khi chương trình tổng thể phòng chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp từng tháng, từng quý, từng năm để hoàn thành nhiệm vụ này.

Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Ông cũng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng…

Các đơn vị, địa phương tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh, thần tốc hơn nữa về tốc độ bao phủ vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân, nếu đủ vaccine mà không đạt mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Ông yêu cầu phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1/2 đến ngày 28/2 để đạt mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Phát động chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; tiếp tục tập trung phòng, chống dịch