Chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” giúp doanh nghiệp tự tin trước COVID

Trang Nhi| 19/01/2022 10:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với các doanh nghiệp (DN), chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” là biện pháp quan trọng giúp phục hồi kinh doanh, sản xuất, quay lại đà phát triển như trước dịch, tạo “nền tảng” vững chắc trước “bão COVID-19”…

Tự tin phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh

Theo nhiều DN, khi đã phủ vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ nhân viên, họ như trút một phần gánh nặng và tập trung vào việc sản xuất, nối lại các đơn hàng bị tạm ngưng trước đó.

anh-1.-vaccine-cho-dn.jpg
VNVC triển khai tiêm vaccine cho doanh nghiệp tại Bình Dương.

Tại Nhà máy sản xuất thạch dừa của Công ty TNHH Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai, H. Trảng Bom), không khí sản xuất hết sức khẩn trương để đáp ứng đơn đặt hàng của các đối tác. Là đơn vị sản xuất thực phẩm nên việc kiểm soát an toàn trong thời gian bình thường vốn đã nghiêm ngặt, trước tình hình dịch bệnh DN càng phải cẩn thận hơn, người lao động trước khi vào các công đoạn sản suất đều phải khử trùng.

Khi toàn bộ người lao động của công ty đã được tiêm vaccine, tâm lý an tâm hơn, bớt lo lắng hơn, từ đó chú tâm vào sản xuất, không để đứt gãy đơn hàng. Do đó, bao phủ vaccine là điều kiện rất quan trọng với các doanh nghiệp.

Tương tự, Công ty CP An Phú Thịnh (H. Long Thành) cũng DN có đông công nhân được bao phủ vaccine. Việc sản xuất được giữ vững nhờ chiến dịch tiêm chủng, DN tự tin hơn trong quá trình mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm lao động vào làm việc.

Mặc dù 100% người lao động đã tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19 nhưng do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, các nhà máy vẫn muốn tăng cường tiêm mũi thứ 3 cho người lao động trước khi nghỉ lễ nhằm bảo vệ sản xuất và chuỗi cung ứng đang phục hồi sau Tết.

Hơn nữa, việc bố trí ngồi giãn cách khi làm việc như hiện nay không thể duy trì được mãi do diện tích nhiều nhà xưởng có hạn và yêu cầu của dây chuyền sản xuất.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu "thần tốc" hoàn thành chiến dịch tiêm mũi vaccine thứ ba cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là người lao động, trong tháng 1/2022 (rút ngắn 6 tháng so với dự tính trước đây). Như vậy, có thể thấy, liều vaccine tăng cường cho người dân, người lao động được triển khai quyết liệt, thần tốc.

Việc tiêm tăng cường thêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3 sẽ giúp cho người lao động yên tâm đi làm trở lại sau Tết và các doanh nghiệp cũng dễ tuyển thêm người cho đủ với nhu cầu sản xuất.

Một số Công ty khác như: Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Hà; Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà); Công ty TNHH Điện tử Vạn Lực Việt Nam (KCN Cái Lân)… không chỉ đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn tranh thủ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho công nhân. Việc “phủ sóng” vaccine tạo “tấm lá chắn” quan trọng bảo vệ sức khỏe cho công nhân, góp phần phòng chống dịch hiệu quả tránh bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Linh hoạt, phù hợp với mỗi doanh nghiệp

Vaccine là giải pháp chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, để giải pháp này được tiến hành hiệu quả cần sự linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp.

anh-2.-vaccine-cho-dn.jpg
Chiến dịch tiêm chủng thần tốc cho người lao động giúp doanh nghiệp tự tin mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp sản xuất - một trong những điểm mấu chốt quan trọng, tuyến đầu trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Nếu việc này chậm trễ, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong nhiều doanh nghiệp sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp.

Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Và hơn hết, tốc độ tiêm vaccine sẽ quyết định tốc độ “đứng dậy” của nền kinh tế, quyết định tốc độ “nối mạch” Việt Nam với thế giới và tốc độ đưa thế giới vào Việt Nam. Chỉ khi doanh nghiệp trụ vững thì nền kinh tế mới thật sự có thể đứng vững bằng thực lực, vững vàng cùng với thế giới mở lối đi ngang tâm dịch.

Do đó, Chính phủ nên huy động cả khu vực tư nhân, bao gồm các bệnh viện và phòng khám tư nhân, các công ty dược phẩm, thiết bị y tế, các tổ chức, doanh nghiệp có quan hệ và năng lực nhập khẩu vaccine chung sức, chung lòng thực hiện tốt nhất những định hướng mà Chiến lược vaccine quốc gia đã đề ra để bảo đảm mọi người dân, đặc biệt là người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất có thể.

Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine và hỗ trợ quá trình sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước, kết nối nhập một số loại thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin để hỗ trợ phát triển vaccine trong nước, bảo đảm nguồn cung ổn định và tự chủ lâu dài về vaccine…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” giúp doanh nghiệp tự tin trước COVID