Thủ tướng: Phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm

Xuân Lan| 17/02/2021 17:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều ngày 17/2.

tt.jpg
Thủ tướng: Phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Chiều ngày 17/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”…

Phát biểu mở đầu cuộc họp giao ban, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các cấp, các ngành đã chỉ đạo đồng bộ, toàn diện để nhân dân có Tết an toàn, lành mạnh, đầm ấm.

“Hôm nay chúng ta họp giao ban đầu năm kiểm điểm tình hình công tác chỉ đạo phục vụ Tết cho nhân dân, và những vấn đề đặt ra, cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn”, Thủ tướng nói và cho biết, cuộc họp sẽ bàn các giải pháp để xử lý vấn đề cấp bách trước mắt, như sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, phòng chống hạn mặn, thiên tai thời tiết thất thường, phòng chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt một số chủ trương biện pháp để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, để ngay đầu năm bảo đảm hoạt động bình thường, bắt tay ngay vào việc, triển khai quyết liệt đồng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo về tình hình phòng chống dịch và vấn đề đặt ra trong công tác quan trọng này, trong đó có chủ trương của Thường trực Chính phủ tại phiên họp trước (chiều mùng 4 Tết) về mua vaccine để tiêm chủng cho nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, bởi thời gian không chờ đợi ai.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng đánh giá cao VPCP đã tham mưu tốt cho Chính phủ về chăm lo Tết, phục vụ nhân dân, ban hành các chỉ thị, công điện, tổ chức các đợt kiểm tra đôn đốc hay xử lý các vấn đề hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.

Thủ tướng cho biết, cơ bản tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước là tốt, hàng hóa phong phú, đa dạng ở mọi vùng miền. An sinh xã hội được quan tâm, nhất là với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, vùng thiên tai; đã giải quyết kịp thời trên 9.000 tấn gạo hỗ trợ các vùng thiên tai, lũ lụt. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Đặc biệt, chúng ta đã chỉ đạo phòng chống COVID-19 kịp thời, quyết liệt trước, trong và sau Tết; có những biện pháp để chia sẻ với các công nhân, người lao động, người dân đón Tết xa nhà, ở lại tại chỗ, hạn chế đi lại, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thủ tướng đánh giá cao cố gắng, phục vụ chu đáo của VPCP đối với sự điều hành của Chính phủ trong suốt năm 2020, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau Tết. Thủ tướng đề nghị VPCP tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chuẩn bị phục vụ tốt các cuộc họp, các hoạt động của lãnh đạo Chính phủ theo lịch công tác. Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 để tham mưu, đề xuất các quyết sách. Tham mưu thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết để thực hiện mục tiêu kép.

Văn phòng Chính phủ cần phát động đợt thi đua làm việc ngay sau Tết, tạo không khí làm việc phấn khởi, khí thế mới trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm, nhất là các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05 ngày 28/1/2021

Thị trường hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, cung ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm, phục vụ nhân dân trong dịp Tết, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiền lương, tiền thưởng cho người lao động cơ bản được bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán năm 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ Tết năm 2020.

Tính đến ngày 19h ngày 16/2/2021, các địa phương đã chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với số tiền gần 5.558 tỷ đồng. Thực hiện chuyển quà kịp thời của Chủ tịch nước nhân dịp Tết cho 1,733 triệu đối tượng có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 538 tỷ đồng. Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã chủ động trích ngân sách của tỉnh, thành phố và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng chính sách người có công nhân dịp Tết Nguyên đán với mức quà bình quân dao động từ 500.000–1.000.000 đồng/suất, nhiều địa phương có mức quà cao như TPHCM 6,5 triệu đồng/suất; Quảng Ninh 4 triệu đồng/suất.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân năm 2020 ước đạt 7,54 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 3% so với năm 2019; khoảng 55,6% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán năm 2021, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, bảo đảm khám, cấp cứu cho nhân dân. Tính đến 7h ngày 16/2/2021 (mùng 5 Tết), tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện khám, cấp cứu cho 285.309 lượt bệnh nhân, tăng 14,5% so với cùng kỳ Tết Canh Tý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm