Thủ tướng gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại

Xuân Lan| 16/10/2022 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mong muốn hệ thống ngân hàng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức rất lớn hiện nay và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

thu-tuong-gap-cac-lanh-dao-nhan-hang-thuong-mai.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự buổi gặp

Sáng 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt với Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và gần 70 đại biểu là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 4/8/2022, Thủ tướng cùng Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng thương mại để cùng trao đổi, đánh giá về thực trạng tình hình và chuyển tải 2 thông điệp quan trọng: (1) Nỗ lực tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế; (2) Chủ động, tích cực tham gia các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là chương trình tín dụng nhà ở xã hội.

Tại buổi gặp mặt hôm nay, cùng với 2 thông điệp trên, Thủ tướng mong muốn các đại biểu cùng bàn kỹ, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm về 3 nội dung trọng tâm: (1) Chúc mừng lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, cảm ơn sự đóng góp kịp thời, thiết thực, hiệu quả của các ngân hàng thương mại cho công tác phòng chống dịch COVID-19; (2) Đánh giá thực trạng tình hình hệ thống ngân hàng 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng những tháng cuối năm 2022 và năm 2023; (3) Xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng phân tích trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo, khó khăn hơn nhiều so với cuối năm 2021 khi chúng ta xây dựng chương trình, kế hoạch năm 2022 . Xung đột Nga-Ukraine xảy ra và kéo dài; lạm phát tăng cao, xu hướng tăng mạnh lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước đến suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái, mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt cực đoan…

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm 2020-2021; trong khi nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, có độ mở lớn, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế trước những tác động, áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Trong bối cảnh rất khó khăn đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH trong 9 tháng đầu năm phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thủ tướng nêu rõ trong kết quả đó, có đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng. Nhìn chung, ngành ngân hàng đã thực hiện rất tốt, đồng thời 2 nhiệm vụ: Vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. "Chúng ta đánh giá cao ngành ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua", Thủ tướng phát biểu.

Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột ở Ukraine tiềm ẩn nguy hiểm hơn; lãi suất cao, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ suy thoái; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, mất an ninh năng lượng, lương thực tăng mạnh… Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong cả năm 2022 và 2023.

Bối cảnh đó, cùng với những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế càng tạo ra những khó khăn, thách thức lớn hơn đổi với công tác chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không hoang mang, lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà luôn giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tình hình thế giới, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, trong nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù trong bối cảnh khó khăn thách thức nhưng ngành Ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định.

Đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho SXKD, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021.

Hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính với tổng tài sản đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trên 7 triệu tỷ đồng.

Các ngân hàng đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp. Hệ thống ngân hàng thương mại đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đã luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế và đóng góp lớn vào Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hồng cũng nêu rõ, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng. Hệ thống các ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ nhiều ngân hàng còn lạc hậu. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân, cần khắc phục triệt để thời gian tới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại