Hệ thống TAND đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động cải cách tư pháp chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời đại kỹ thuật số quốc gia, xây dựng Tòa án điện tử và đã đạt được những thành quả cơ bản, đáng khích lệ. Những kết quả đó đã đưa hệ thống Tòa án trở thành mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành.
Chiều 16/6, tại Hà Nội, Ủy Ban Quốc gia về chuyển đổi số phối hợp với TANDTC tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Đại diện lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, Thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC… Hội nghị trực tuyến tại hơn 800 điểm cầu trong hệ thống TAND.
Chuyển đổi số cấp Bộ, ngành, địa phương phải tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ số, tiện ích số.
Đối với cơ quan tư pháp, trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là từ sau Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chủ trương xây dựng Tòa án điện tử đã được Chánh án TANDTC đề ra và đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử - đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án.
Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử luôn được lãnh đạo Tòa án xác định là nhiệm vụ cấp thiết, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý và theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, ở Việt Nam, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm, quan trọng của cải cách tư pháp, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.
Việc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đã tạo ra những giá trị lớn lao của xã hội, là điểm nhấn của chiến lược cải cách tư pháp, giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới.
Thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua, TANDTC đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, qua đó góp phần tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hội nghị là dịp để TANDTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng toàn thể các đồng chí một số kết quả đạt được trong chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử thời gian qua và cũng là cơ hội để được trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm triển khai về chuyển đổi số của các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương qua đó giúp TAND có thêm kinh nghiệm đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được xem thước phim về kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số và phương hướng nhiệm vụ công tác chuyển đổi số trong thời gian tới của TAND; Tham luận: Xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án; Xem trực tiếp một số phiên tòa xét xử trực tuyến đang diễn ra...