Tiêu điểm

Thủ tướng: Đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Mai Đỉnh - Tuấn Dũng 16/06/2024 - 19:27

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng hệ thống TAND sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Chiều 16/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của hệ thống Tòa án.

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng nền Tư pháp nói chung, hệ thống TAND nói riêng và Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, thời gian qua, hệ thống TAND tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xét xử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Trong đó, hệ thống Tòa án đã triển khai xây dựng nhiều nền tảng số về quản lý hoạt động tố tụng, quản lý công việc, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhân sự, quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án, quản lý tài sản, họp, hội nghị trực tuyến, thống kê, tổng hợp, giám sát thông tin về Tòa án trên không gian mạng và giám sát và điều hành hoạt động TAND…

chuyen-doi-so-tand-5-.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu được giới thiệu khung chuyển đổi số cấp bộ, ngành; kết quả công tác chuyển đổi số của hệ thống TAND và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; bài học kinh nghiệm từ thành công chuyển đổi số của hệ thống Tòa án.

Hội nghị cũng nghe tham luận với các chủ đề “Xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án”, “Trợ lý ảo - công cụ đắc lực cho Thẩm phán”, “Quản lý hoạt động tố tụng trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án”… Đặc biệt, Hội nghị được xem trực tiếp một số phiên tòa xét xử trực tuyến đang diễn ra tại một số địa phương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Thủ tướng cũng đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của hệ thống TAND, nhất là trong công tác chuyển đổi số; góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

chuyen-doi-so-tand-4-.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chuyển đổi số là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả và thực chất.

Theo Thủ tướng, Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.

Trong đó, công tác xây dựng Tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta.

Thủ tướng đã phân tích những việc làm được, chưa làm được và những tồn tại hạn chế, khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số hệ thống TAND, trong đó lưu ý một số vấn đề về xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số còn chậm; Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu; Chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao, tỷ lệ dịch vụ tư pháp công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến thấp; Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa có đột phá; Kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu số còn nhiều hạn chế, bất cập; Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

chuyen-doi-so.jpg
Chánh án TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự Hội nghị.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của hệ thống TAND, nhất là trong công tác chuyển đổi số; góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp; nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều… Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra đối với hệ thống TAND rất quan trọng, rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hệ thống Tòa án tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với hệ thống TAND là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng đề nghị hệ thống Tòa án đặc biệt quan tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số - coi đây là một trong những công cụ quan trọng nhất, hỗ trợ đắc lực nhất, hiệu quả nhất trong tất cả các mặt công tác của hệ thống TAND.

Về quan điểm chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, Thủ tướng đề nghị hệ thống Tòa án tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng Tòa án điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong mọi tình huống; tạo lập dữ liệu số, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ để nâng cao năng lực quản trị và thực thi của Tòa án trên nền tảng số; phát triển nhân lực số, kỹ năng số và bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển Tòa án điện tử.

chuyen-doi-so-toa-an-nhan-dan-6-.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Trong thời gian tới, hệ thống Tòa án cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành TAND, phát triển Tòa án điện tử; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của ngành TAND; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử TANDTC và các Trang thông tin điện tử của TAND cấp cao, TAND các cấp...

"TAND sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị, thực thi Tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống TAND nhất là phát triển hạ tầng số; trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của TAND được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số. Nghiên cứu, ứng dụng phù hợp các công cụ chuyển đổi số. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng Trợ lý ảo trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nhân lực trong ngành Tư pháp và hỗ trợ nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.

chuyen-doi-so-toa-an-nhan-dan-5-.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các đại biểu.

Đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến hướng tới 100% TAND đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử; Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; đồng thời nghiên cứu tích hợp với ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp Tòa án.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 79 năm, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực vươn lên cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống TAND sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

chuyen-doi-so-tand-1-.jpg
Hệ thống TAND tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xét xử góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Thời gian qua, hệ thống Tòa án đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.

Cùng với đó, xét xử trực tuyến đã được triển khai tại Tòa án các cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, TAND các cấp đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.

Hệ thống Tòa án bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá