Thủ tướng: Bộ TT&TT khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí

Xuân Lan| 08/09/2018 16:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhấn mạnh một trong nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT&TT là công tác quản lý báo chí, Thủ tướng yêu cầu Bộ cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng: Bộ TT&TT khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Sáng ngày 8/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

CNTT đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT là một bộ quản lý đa lĩnh vực tập trung vào hai nhiệm vụ chính là công nghệ và tuyên truyền.

Về mảng công nghệ, Bộ TT&TT quản lý về công nghệ, công nghiệp thông tin và truyền thông, điện tử viễn thông đã đóng góp một phần rất lớn trong nền kinh tế đất nước (doanh thu toàn ngành năm 2017 là 100 tỷ USD).

Đồng thời, là Bộ quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử; xuất bản, in và phát hành. Đây là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước để tạo nên niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy khát vọng và tự hào dân tộc, nhằm cổ vũ và nâng cao sức mạnh tinh thần của đất nước.

Thời gian qua, ngành TT&TT ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Với lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa xã hội, nhà nước và doanh nghiệp.

Các cơ chế, chính sách ban hành đã phát huy được nội lực, đảm bảo tính tự lực tự cường làm nền tảng cho sự phát triển và sự lớn mạnh của doanh nghiệp ngành TT&TT Việt Nam.

Các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư, xây dựng tạo lập cơ sở hạ tầng mạng lưới tốc độ cao, băng thông rộng, diện phủ lớn. Gần 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước và Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ cáp quang hóa cao nhất thế giới. Sóng di động đã phủ tới 99,5% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ 98% dân số); hình thành xa lộ thông tin kết nối với toàn thế giới (băng thông quốc tế 6 Tbps).

Cùng đó, các doanh nghiệp viễn thông đã đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đảm bảo thỏa mãn nhu cầu kết nối (thoại, SMS, fax, truyền số liệu tốc độ thấp) cho đến dịch vụ kết nối tốc độ cao (truy nhập Internet, 3G, 4G, GPON, AON…). Năng lực mạng lưới viễn thông của Việt Nam đã được nâng cao làm nền tảng cho sự phát triển hệ sinh thái số. Hạ tầng mạng lưới viễn thông góp phần hiện thực hóa ứng dụng số vào các hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, trong giai đoạn tới, CMCN 4.0 tạo ra nhu cầu kết nối, hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã sẵn sàng cung cấp kết nối dung lượng, chất lượng cao đáp ứng cho ứng dụng loT trên nền tảng mạng 4G, 5G. Ngành công nghiệp điện tử, viễn thông nội địa đang được chú trọng thúc  đẩy.

Các doanh nghiệp lớn đã chuyển hướng sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất như Viettel, VNPT... và sắp tới là Vingroup cùng nhiều tập đoàn, tổng công ty khác. Mục tiêu trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nước có mạng viễn thông phát triển nhất thế giới.

Đối với lĩnh vực CNTT, Quyền Bộ trưởng cũng chỉ ra trong thời gian qua, CNTT đã thể hiện là một ngành kinh tế lớn và chủ lực của Việt Nam trong CMCN 4.0. Với trên 28.000 doanh nghiệp CNTT, 900.000 lao động, CNTT là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm qua.

Năm 2017 là năm ngành CNTT có tốc độ tăng trường cao, đạt khoảng 35,3%, doanh thu đạt 91,6 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 81,6 tỷ, phẩn mềm 3,8 tỷ, dịch vụ CNTT 5,4 tỷ, và nội dung số 800 triệu USD, xuất khẩu 83,4 tỷ USD, đóng góp 39.253 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, với việc triển khai Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT cùng với Văn phòng Chính phủ là 2 hạt nhân triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.

Còn một số hạn chế

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu về tình hình thời gian qua và giải pháp cho sự phát triển của ngành TT&TT, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Bộ TT&TT trong phát triển lĩnh vực quản lý để đóng góp vào khát vọng của dân tộc trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.

Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng nhìn nhận trong thời gian qua, ngành tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP, tăng đến 18% về doanh thu. Cùng với đó, báo chí cách mạng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Ngành có nhiều nhân tài, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, trong đó có tập đoàn “tỷ USD”.

Với sự tham mưu của Bộ TT&TT và các bộ, ngành chức năng khác, Chính phủ đã chủ động đón bắt thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Quyền Bộ trưởng TT&TT đã đoàn kết, thống nhất, tập hợp lực lượng khoa học công nghệ và doanh nghiệp, một lực lượng quan trọng đối với sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn tồn tại một số mặt hạn chế, yếu kém như triển khai quy hoạch báo chí chậm. Quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục, tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Thông tin phản bác, xử lý khủng hoảng truyền thông chưa kịp thời.

Công tác tham mưu cơ chế, chính sách vẫn còn những trường hợp chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí còn để xảy ra sai sót, vi phạm.

Việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ (tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới).

Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, tuy nhiên còn lúng túng, bị động trong việc khắc phục.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh, áp dụng nhanh hơn, tốt hơn trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), tự động hóa, robot, dữ liệu lớn… hiện đang làm thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động trên mọi lĩnh vực.

Việc đổi mới tư duy về quản trị nhà nước không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghệ mà còn phải bảo vệ cuộc sống của người dân an toàn trong không gian số. Những vấn đề này rất quan trọng mà “các đồng chí là người hướng dẫn về mặt quản lý Nhà nước để thực hiện, thúc đẩy”, Thủ tướng nói.

Để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt. Chuyển đổi số phải là nền tảng đi sâu vào mọi ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp của cả khu vực công và tư. Bộ TT&TT phải giữ vai trò dẫn dắt công tác này, đi đầu trong đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế chính sách có tính đột phá, cùng các bộ, ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành một trong những nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí

Thủ tướng đề nghị các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và toàn thể người lao động thuộc Bộ TT&TT phải đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, trên dưới một lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh của Bộ - là cơ quan vừa quản lý, phát triển công nghệ, công nghiệp, vừa là kinh tế và tuyên truyền, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội, khát vọng dân tộc, hun đúc sức mạnh tinh thần của đất nước.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ là công tác quản lý báo chí. Bộ cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo đảm khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các biện pháp mới, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đấu tranh phản bác đối với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc; xử lý nghiêm các vi phạm.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý báo chí, thông tin điện tử và mạng xã hội. Có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích dự báo xu thế thông tin và những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội.

Tăng cường công tác quản lý đối với các nhà xuất bản và hoạt động xuất bản, bảo đảm theo đúng các quy định của Luật Xuất bản, khắc phục các sai sót trong hoạt động xuất bản.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông

Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông. Chỉ đạo xây dựng một số doanh nghiệp dẫn đầu, đầu tầu cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này, từ nước gia công phần mềm cho nước ngoài thành nước phát triển phần mềm.

Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ thông tin mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”, đưa nước ta thành cường quốc về công nghệ thông tin, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Công nghiệp công nghệ thông tin không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh như vệ tinh viễn thám, ra đa, thiết bị bay không người lái, hệ thống chỉ huy điều khiển…

Triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ và sản xuất của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó chú trọng hoàn thiện một số thể chế như cơ chế đầu tư mua sắm, thuê sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, định danh điện tử cho tổ chức cá nhân… Khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Nhân dịp này, Thủ tướng chúc Bộ TT&TT luôn xứng đáng với 10 chữ vàng của ngành: “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và khẳng định “sẽ luôn đồng hành với các đồng chí trên con đường nhiều khó khăn, thách thức này”.

Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đối với lĩnh vực bưu chính, hiện không chỉ làm dịch vụ chuyển phát thư, báo mà đang dần trở thành nền tảng cho thương mại điện tử, logistics và Chính phủ điện tử.

Bộ TT&TT đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới điểm phục vụ, năng lực vận chuyển, đa dạng hóa các dịch vụ nhằm phát triển lành mạnh thị trường bưu chính, phục vụ hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triền kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân trên khắp các vùng, miền của đất nước.

Đặc biệt, thị trường bưu chính đang tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng 35 - 40%/năm, trong khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Bộ TT&TT khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí