Sáng ngày 27/3 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc điện đàm lần thứ 2 với lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: BNG
Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, tại cuộc điện đàm, lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước cập nhật tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp toàn diện, mạnh mẽ đã và đang được triển khai tại mỗi nước.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Chính phủ Mỹ hiện đang thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đối phó với dịch bệnh, trong đó có việc triển khai số lượng lớn nguồn lực y tế cho cộng đồng, công bố các gói hỗ trợ lớn như gói cứu trợ kinh tế hơn 2.000 tỷ USD và gói hỗ trợ quốc tế trị giá 270 triệu USD; đề xuất xây dựng cơ chế trao đổi/hợp tác với các nước; khẳng định Mỹ sẽ sớm sản xuất được các trang thiết bị y tế đáp ứng công tác phòng chống dịch trong nước và hỗ trợ các nước khác. Ông cũng đề nghị các nước duy trì trao đổi thông tin và thực tiễn phòng chống dịch ở mỗi quốc gia, đồng thời đề cập đến yêu cầu bảo đảm thông tin chính xác trong khi chống dịch cũng như vấn đề phục hồi kinh tế thế giới sau khi đại dịch kết thúc.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Australia cho biết Australia duy trì các tuyến đường phục vụ mục đích nhân đạo như vận chuyển trang thiết bị y tế, đồng thời bảo đảm các nhân viên của Australia tiếp tục được làm việc và triển khai chương trình hỗ trợ của họ tại các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao nước này khẳng định sẽ tăng cường năng lực sản xuất thiết bị y tế để không những bảo đảm nhu cầu trong nước mà còn để hỗ trợ những nơi có nhu cầu nhất.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Chính phủ Ấn Độ đã quyết định phong tỏa toàn quốc, đồng thời đưa ra gói cứu trợ trị giá hơn 22 tỷ USD, chủ yếu dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh phong tỏa. Ấn Độ cũng đang phối hợp với một số nước về nguồn cung cấp thiết bị để sản xuất bộ xét nghiệm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khẳng định Nhật Bản coi việc đóng cửa biên giới là biện pháp quan trọng để kiểm soát dịch bệnh và đang tích cực phối hợp với các nước để tăng cường kiểm soát đi lại qua biên giới; thông COVID-19 và vaccine phòng ngừa; cho biết Nhật Bản có chương trình viện trợ trị giá 140 triệu USD để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Thứ trưởng Ngoại giao New Zealand cho biết New Zealand tập trung vào 3 nhóm biện pháp gồm bảo đảm nguồn cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế; nghiên cứu có các gói hỗ trợ tài chính; hạn chế sự di chuyển của công dân.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc thông báo các biện pháp Hàn Quốc đã và đang tiến hành như lệnh cấm các đường bay quốc tế và áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội để hạn chế virus lây lan nhưng vẫn bảo đảm các hoạt động sản xuất; đề xuất các nước nghiên cứu hình thức hợp tác trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực y tế.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất hiện nay là phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Cho biết Việt Nam bước đầu xây dựng được phác đồ điều trị tiêu chuẩn đối với các bệnh nhân mắc COVID-19; chia sẻ một số biện pháp Việt Nam đã và đang triển khai như tạm thời ngừng nhập cảnh người nước ngoài, hạn chế tiếp xúc xã hội, cách ly tập trung hoặc tự cách ly, tạm ngừng một số hoạt động kinh doanh tập trung đông người như quán bar, nhà hàng…
Thứ trưởng nhấn mạnh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của G20 trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 khẳng định trách nhiệm, đóng góp của ASEAN và Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19; Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường tính sẵn sàng và chủ động thích ứng của ASEAN trong cuộc chiến chống dịch bệnh; bày tỏ tin tưởng với sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế, bệnh dịch sẽ sớm được đẩy lùi. Đồng thời, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất việc duy trì hoạt động vận tải hàng không ở mức tối thiểu để vừa đáp ứng được nhu cầu đi lại chính đáng vừa bảo đảm các biện pháp an toàn trong phòng tránh dịch bệnh; đề nghị các nước tạo điều kiện lẫn nhau trong công tác bảo hộ công dân.
Kết thúc cuộc điện đàm, lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước khẳng định sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, đưa ra các biện pháp phù hợp, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác chặt chẽ và thúc đẩy viện trợ quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh thời gian tới.