Chứng cứ là vấn đề rất quan trọng có tính quyết định trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Để bảo vệ quyền con người theo tinh thần cải cách tư pháp thì việc thu thập, xử lý chứng cứ của cơ quan tố tụng và luật sư là hết sức quan trọng.
Bình đẳng trong thu thập chứng cứ
Hiện nay, trong bối cảnh mở rộng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, khi xét xử Tòa án phải đảm bảo mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ khách quan. Việc phán quyết của Tòa án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ý kiến của các bên đưa ra. Từ nguyên tắc trên cùng với cơ quan tố tụng, luật sư (LS) cũng thực hiện quyền thu thập và sử dụng chứng cứ tạo thành sự đối trọng, bình đẳng với bên buộc tội nhằm giúp giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật, góp phần chống oan sai trong tố tụng hình sự.
Bộ luật TTHS 2015 quy định, để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án.
LS tham gia tố tụng nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, nên trên thực tế mục đích của LS trong việc thực hiện quyền thu thập chứng cứ thường đối lập với cơ quan tiến hành tố tụng. Chứng cứ của LS thu thập và đưa ra nhằm chứng minh, có giá trị “gỡ tội”, mang tính phản biện cao (một phần hoặc toàn bộ) đối với chứng cứ buộc tội và luận điểm của cơ quan tiến hành tố tụng. Để bào chữa có hiệu quả, LS sẽ có những hoạt động thu thập chứng cứ và đưa ra những kiến nghị điều tra bổ sung, điều tra lại, đình chỉ điều tra, rút quyết định truy tố, thay đổi tội danh... Và, những kiến nghị này của LS cũng cần phải được các cơ quan xem xét một cách đầy đủ.
Chứng cứ được xác định bằng nhiều nguồn khác nhau, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 73, BLTTHS 2015, người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật; kiểm tra đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản…
Một phiên tòa hình sự
Quy định này tạo sự bình đẳng hơn trong việc thực hiện quyền thu thập chứng cứ. BLTTHS 2015 quy định rất cụ thể quyền của người tham gia tố tụng, bị can, bị cáo, người bào chữa… trong việc cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều 26, BLTTHS 2015 quy định: “… người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án...”. Ngoài ra, pháp luật còn quy định, tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được các tài liệu liên quan đến vụ án, người bào chữa phải có trách nhiệm giao lại cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, khi thu thập được chứng cứ, LS cần lựa chọn thời điểm để cung cấp cho phù hợp trong quá trình tố tụng của vụ án.
Tiếp cận và sử dụng chứng cứ
Mặc dù BLTTHS 2015 đã quy định LS có quyền thu thập chứng cứ bình đẳng với bên buộc tội, tuy vậy do đặc thù nghề nghiệp là LS đơn phương thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội nên thường gặp những khó khăn, bất lợi hơn và từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp cận, phát hiện và thu thập chứng cứ liên quan đến phục vụ cho quá trình bào chữa.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, LS vẫn bị hạn chế trong việc thu thập chứng cứ như, khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can LS chỉ được hỏi người bị tạm giữ, tạm giam nếu được Điều tra viên đồng ý. Nhiều hoạt động điều tra khác như đối chất, nhận dạng, khám xét, thực nghiệm điều tra… không có sự hiện diện của LS. Việc gặp người bị tạm giữ, bị can trong giai đoạn điều tra rất khó khăn do LS không được tạo điều kiện tiếp xúc riêng tư, lại bị hạn chế thời gian bởi quy định chỉ được gặp trong một tiếng đồng hồ. Việc đọc, ghi chép và sao chụp hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa chỉ được chấp thuận sau khi kết thúc điều tra nhưng thực tế, phải đến khi hồ sơ chuyển sang VKS mới được nghiên cứu, sao chụp… Vì vậy, rất cần có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng, mục đích của LS trong việc đưa ra chứng cứ khác với những cơ quan và người tiến hành tố tụng, vì LS trước hết là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ và làm sáng tỏ những tình tiết khác nhau trong vụ án (trong thực tế, cũng có trường hợp LS không thể sử dụng chứng cứ thu thập được, nếu chứng cứ đó làm xấu đi tình trạng của thân chủ). LS cần phân biệt được phải tìm chứng cứ ở đâu, mục đích của mình vào việc nghiên cứu, đánh giá chứng cứ đó là gì. Tuy nhiên, cho dù mục đích hướng tới khách hàng đến đâu thì việc thu thập, đánh giá chứng cứ cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật.
BLTTHS 2015 cũng đã quy định, LS có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật mà trong giai đoạn điều tra chưa phát hiện được; có quyền yêu cầu CQĐT xem xét những chứng cứ có lợi và không làm xấu đi tình trạng của bị can. Và, trong quá trình hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan tố tụng, LS có quyền gặp gỡ trao đổi, đề xuất với cơ quan Tòa án, VKS nhằm khắc phục những thiếu sót trong điều tra, truy tố để đảm bảo tính khách quan của hoạt động tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo,… như yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung, đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo hoặc yêu cầu giám định, giám định lại…