Xung quanh vụ việc một ngươi đàn ông ném thuốc trừ sâu vào ao khiến 4 tấn tôm chết ở Cà Mau, luật sư nhìn nhận hành vi của nghi phạm thể hiện tính ích kỷ, xấu xa, xem nhẹ quyền lợi của người khác mà sẵn sàng thực hiện hành vi tàn nhẫn. Bởi vậy, cần thiết phải xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.
Như Báo Công lý đã thông tin, sau khi vào cuộc xác minh, Công an TP Cà Mau đã xác định được đối tượng đầu độc làm chết khoảng 4 tấn tôm của chủ đầm nuôi tôm công nghiệp ở xã Hòa Tân.
Nghi phạm được xác định là Võ Tấn Lợi (SN 1988, ngụ ấp Gành Hào 2, xã Hòa Tân). Làm việc với công an, Lợi thừa nhận hành vi ném thuốc trừ sâu nhãn hiệu Decis vào ao tôm của gia đình ông Cường.
Lợi khai trước đây từng làm công nhân tại ao tôm của ông Cường và xảy ra mâu thuẫn với 2 công nhân khác.
Tháng 2/2022, Lợi nghỉ việc rồi nảy sinh ý định ném thuốc trừ sâu vào ao tôm với mục đích để ông Cường đuổi việc 2 công nhân trên.
Chiều 17/8, Lợi lại xảy ra mâu thuẫn với 1 nhân viên khác trông coi ao tôm của ông Cường. Tối cùng ngày, Lợi đã ném thuốc trừ sâu vào ao tôm của ông Cường làm chết khoảng 4 tấn tôm.
Xoay quanh vụ việc này, rất nhiều độc giả bức xúc về những hành vi phá hoại trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người chăn nuôi, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương. Vậy chế tài xử phạt ra sao?
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, để có căn cứ xử lý, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ loại thuốc sâu mà đối tượng này đã ném xuống ao tôm là loại thuốc sâu gì? Được mua ở đâu, cần phải có những bằng chứng khoa học, những chứng cứ vật chất để chứng minh lời khai nhận tội của nghi phạm là có căn cứ.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân tôm chết có phải do ngộ độc thuốc sâu hay không thì mới có căn cứ vững chắc để buộc tội đối với nghi phạm trong vụ án này.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy lời khai của đối tượng này phù hợp với lời khai của người bị hại, của người làm chứng và phù hợp với các kết luận giám định, vật chứng thu giữ được trên hiện trường vụ án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối tượng này về tội hủy hoại tài sản theo quy định tại điều 178 Bộ luật hình sự.
Theo luật sư Cường, trong vụ việc này, ngoài việc xác định nguyên nhân tôm chết, xác định hành vi vi phạm pháp luật của bị can, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ trị giá thiệt hại đã xảy ra làm căn cứ để giải quyết vụ việc theo quy định.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy số lượng tôm bị chết trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội hủy hoại tài sản là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra theo quy định của pháp luật, đối tượng này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân.
“Vụ việc cho thấy hành vi xấu xa, nhẫn tâm của đối tượng gây án. Chỉ vì ích kỷ, coi thường pháp luật, xem nhẹ quyền lợi của người khác mà sẵn sàng thực hiện hành vi tàn nhẫn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác. Với hóa chất kịch độc như vậy khiến cho thuỷ hải sản chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân thì hành vi còn có thể dẫn đến gây ngộ độc cho người và gia súc nếu như vì tiếc của mà sử dụng số tôm ngộ độc này. Bởi vậy, hành vi hủy hoại những vật nuôi dưới nước này cần phải bị xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.