Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc thu mua thịt lợn, sau đó cấp đông là việc toàn dân, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và cũng để thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019 diễn ra chiều ngày 31/5, phóng viên quan tâm hỏi về đề xuất cấp đông thịt lợn sẽ được thực hiện thế nào trong thời gian tới để thu hút doanh nghiệp tham gia thu mua?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Việc thu mua thịt lợn và sau đó cấp đông là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ngày 17/5 vừa qua, trong đó yêu cầu rất nhiều các bộ, ngành liên quan đến việc tập trung xử lý dịch tả lợn châu Phi.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng, theo phán đoán có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các tỉnh thành, địa phương trên cả nước.
Về phía Bộ Công Thương xác định đây là việc toàn dân, các bộ, các ngành trong đó có Bộ Công Thương và cũng để thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, và trực tiếp gần đây là Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng. Ngày hôm qua Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp bàn gồm có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp với tất cả các Sở Công Thương, Sở NN&PTNT trên địa bàn toàn quốc đề bàn về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thì "phải xác định đây là việc hết sức khó khăn" bởi 4 lý do sau:
Thứ nhất khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong thời gian dài với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.
Thứ hai, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở chế biến, cấp đông. Hiện nay cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng.
Thứ ba, nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân Việt Nam hiện còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho các doanh nghiệp đầu mối khi họ đã thu mua, cấp đông, trong việc dự trữ và bán các sản phẩm ra sau này. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể làm những việc này theo chỉ đạo của các cấp ngành nhưng sau này có bán được hay không vẫn là câu hỏi lớn.
Thứ tư là một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng nên thịt lợn cấp đông sẽ đi nhiều hơn vào các cơ sở chế biến thực phẩm, còn trực tiếp tới tay khách hàng thì còn khó khăn.
Tuy nhiên, giá của các sản phẩm thịt lợn tại thời điểm này còn rất thấp, thậm chí rất khó bán, trong khi người nông dân còn tồn không bán được và hằng ngày vẫn phải cho lợn ăn, nguy cơ dịch lan đến gây chết cho cả đàn lợn là rất cao. Trong khi cũng phải tính đến cung cầu của mặt hàng thịt lợn, ví dụ trong 3-4 tháng nữa, đặc biệt dịp trước Tết cổ truyền của Việt Nam cũng không còn nhiều. Liệu lúc đó có đủ thực phẩm, mặt hàng thịt lợn vốn tiêu dùng rất phổ biến ở Việt Nam cho người tiêu dùng hay không. Việc đó chúng ta đang phải làm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thêm: Tại buổi họp ngày hôm 30/5, sau khi nghe các ý kiến bộ ngành địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối mà sau là những người thu mua và cấp đông thịt lợn, Bộ đã tập hợp các ý kiến để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định những giải pháp.
Mục đích, thứ nhất là phải nhanh nhất đưa ra những quyết định phù hợp có thể đưa ngay vào cuộc sống.
Thứ hai, phải bảo đảm tất cả thịt lợn thu mua và sau đó cấp đông an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ ba là có sự phối kết hợp với các bộ ngành có liên quan để sớm nhất hỗ trợ cho người chăn nuôi, người nông dân và kể cả tính đến cung cầu mặt hàng thực phẩm, trong đó có thịt lợn trong thời gian sắp tới.
Tại cuộc họp đề xuất cơ chế hỗ trợ thu mua, cấp đông thịt lợn nhằm bình ổn thị trường trước bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành diễn ra ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố gây lo ngại cho người chăn nuôi và người dân. Đáng chú ý, tại những địa phương có dịch như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang... dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều huyện, xã của địa phương đó. Điển hình, tại Hà Nội có trên 147.000 con lợn bị bệnh và tiêu hủy (chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố), Thái Bình trên 300.000 con (chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh), Hưng Yên trên 110.000 con (chiếm hơn 20%)... Trước thông tin dịch bệnh, thời tiết nắng nóng, tháng Phật đản có một bộ phận người dân ăn chay nên nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn giảm. Đồng thời, người dân cũng đã tăng mức tiêu dùng vào các sản phẩm thay thế khác như thủy hải sản, thịt bò, thịt gà... nên nguồn cung trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người và các hoạt động chế biến, sản xuất. Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn (thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh) nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn. Do vậy, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. |