Thu hồi đất liền kề Ciputra, giá chỉ hơn... 200 nghìn đồng/m2

Văn Hoàng| 02/02/2021 11:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khu đô thị Nam Thăng Long (Khu đô thị Ciputra) đã 20 năm xây dựng, mới đây UBND quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội tiếp tục thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 2 hộ có quyết định thu hồi, giá bồi thường là… hơn 200 nghìn đồng/m2.

a1.jpg
Khu đất gia đình ông Tuyển có quyết định thu hồi để thực hiện Dự án Khu đô thị Ciputra

Đây không phải lần đầu hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuyển và bà Đặng Thị Hạnh (cùng trú TDP Cáo Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nhận được quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng Khu đô thị Ciputra. Trước đó, những năm 2008, 2012, ông Tuyển, bà Hạnh cùng 10 hộ dân có đất liền kề cũng nhận được quyết định thu hồi đất nhưng sau đó đều hủy bỏ. Theo người dân phản ánh, lý do là bởi đất không nằm trong dự án và giá đền bù thấp.

Mới đây, ngày 31/12/2020, UBND quận Bắc Từ Liêm có Quyết định số 7416/QĐ-UBND “Về việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị Nam Thăng Long trên địa bàn phường Xuân Đỉnh”. Theo đó, thu hồi khoảng 960m2 đất nông nghiệp (diện tích đất thu hồi tại dự án sẽ được xác định cụ thể, chính xác khi người sử dụng đất phối hợp hoặc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất) do ông Nguyễn Văn Tuyển có hộ khẩu thường trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm sử dụng.

Cũng trong ngày 31/12/2020, UBND quận Bắc Từ Liêm có Quyết định số 7419/ QĐ-UBND, về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kèm theo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với gia đình ông Tuyển. Tổng tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sau cân đối là 1.460.079.102 đồng.

Ngoài ra, UBND quận Bắc Từ Liêm cũng ra Quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Đặng Thị Hạnh với diện tích tương tự là 960m2. Trước khi nhận được quyết định thu hồi, 2 hộ trên còn nhận được các quyết định kiểm đếm tài sản bắt buộc và việc cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc của UBND quận Bắc Từ Liêm.

a2.jpg
Cả 2 hộ dân cho rằng, UBND quận Bắc Từ Liêm xác định đất nông nghiệp là chưa đúng

Ông Nguyễn Văn Tuyển cho biết, nguồn gốc thửa đất 1.440m2 của gia đình có vị trí liền kề Khu đô thị Ciputra là do cha truyền, con nối sử dụng ổn định từ năm 1956 đến nay, không có tranh chấp. Hiện nay mẹ ông là bà Dương Thị Hiền, sinh năm 1933 còn minh mẫn và đang sinh sống cùng gia đình vẫn là chủ sử dụng.

Tại phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND quận Bắc Từ Liêm ghi tên chủ dụng đất chưa đúng, ngoài ra tổng diện tích 960m2 là không đúng với hiện trạng sử dụng.

Ông Tuyển cho biết: “Hiện trạng đất của gia đình không phải là đất nông nghiệp mà là đất ở và làm ăn sinh sống. Công ty TNHH Khu đô thị Nam Thăng Long đã lấy đủ diện tích đất được nhà nước cho thuê để thực hiện dự án. Đất của gia đình tôi cùng với gia đình bà Đặng Thị Hạnh không nằm trong diện bị thu hồi, hơn nữa chỉ 2 hộ cũng không đủ để thực hiện một dự án. Việc UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn quyết định thu hồi đất của chúng tôi giao cho doanh nghiệp là bất thường”.

Theo người dân phản ánh, việc UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi đất giao cho Công ty TNHH Khu đô thị Nam Thăng Long nhằm kinh doanh buôn bán kiếm lời, trong khi đó họ mất đi đất đai nhà cửa, đang sinh sống ổn định nay phải đi tìm nơi khác ở, cuộc sống bấp bênh.

Bà Nguyễn Thị Yến cho biết, diện tích 1.440m2 là do mẹ ruột là Dương Thị Hiền phân chia cho 4 người con, trong đó có bà và ông Nguyễn Văn Tuyển. Nhiều năm qua, mỗi khi có chủ trương lấy đất của người dân để thực hiện dự án là cuộc sống lại xáo trộn, lo lắng.

Bà Yến nêu quan điểm, Dự án Khu đô thị Ciputra không nhằm mục đích an ninh quốc phòng mà chỉ là dự án kinh tế đơn thuần, thực chất là dự án kinh doanh trên đất bằng việc xây nhà để bán, cho thuê lấy lãi của doanh nghiệp, vì vậy việc thu hồi đất phải thỏa thuận với người dân.

Bà Đặng Thị Hạnh, Tổ dân phố Cáo Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, Công ty TNHH Khu đô thị Nam Thăng Long là một doanh nghiệp tư nhân, hoạt động với tôn chỉ mục đích lợi ích kinh tế, làm lợi cho một nhóm người. Như vậy việc thu hồi đất của gia đình với giá hơn 200 nghìn đồng/m2 để giao cho doanh nghiệp rồi phân lô bán nền với giá 300 triệu đồng/m2 là không công bằng.

Sau khi nhận được các quyết định thu hồi đất, cả 2 hộ gia đình đã có đơn khiếu nại gửi UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị xem xét lại các quyết định trên, trường hợp thu hồi đất thì phải thỏa thuận với người dân.

Phóng viên đã liên hệ UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND phường Xuân Đỉnh về những nội dung người dân phản ánh, hiện vẫn đang chờ thông tin phản hồi.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi đất liền kề Ciputra, giá chỉ hơn... 200 nghìn đồng/m2