Chiều 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Pháp lệnh phí, lệ phí Tòa án. Sau khi thảo luận, UBTVQH đã thống nhất ban hành Nghị quyết về vấn đề này thay vì Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án như dự kiến và Tờ trình của Chính phủ.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ban hành năm 2009. Đến nay, nhiều nội dung về án phí, lệ phí Tòa án quy định tại Luật Phí và lệ phí năm 2015, một số luật có liên quan không còn phù hợp cần phải sửa đổi.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 6 chương, 48 điều, quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ chịu án phí, lệ phí Tòa án; trường hợp không phải nộp, miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án; đề nghị xét miễn, giảm, thời hạn nộp, chế độ thu, nộp, quản lý, xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án…
Về mức thu, dự thảo Pháp lệnh điều chỉnh tăng mức án phí, lệ phí Tòa án nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc diện phải nộp án phí, lệ phí Tòa án; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, theo nguyên tắc mức điều chỉnh cao nhất bằng với mức biến động giá.
Theo đó, mức án phí hình sự quy định mức thu là 200.000 đồng. Đối với mức án phí giải quyết theo thủ tục rút gọn, quy định mức thu bằng 50% mức thu của vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường. Đối với lệ phí công nhận, cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài, quy định một mức thu lệ phí áp dụng chung là 3 triệu đồng. Mức thu này đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử về mức thu giữa tổ chức, cá nhân thường trú và không thường trú tại Việt Nam.
Đối với lệ phí ủy thác tư pháp: Điều chỉnh giảm mức lệ phí ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế (giảm từ 5 triệu đồng xuống 1 triệu đồng/hồ sơ).
Quang cảnh phiên họp
Dự thảo Pháp lệnh cũng bổ sung đối tượng không phải nộp tạm ứng án phí dân sự, án phí dân sự, những trường hợp được miễn án phí, lệ phí Tòa án; Pháp lệnh cũng bổ sung quy định chế độ thu, nộp, quản lý tạm ứng án phí, án phí (Điều 19). Theo đó, cơ quan thu án phí, lệ phí Tòa án mở tài khoản tạm thu tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp để thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án. Định kỳ hàng tuần, cơ quan thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án phải nộp 100% tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án thu được vào tài khoản tạm thu ngân sách tại Kho bạc Nhà nước…
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Pháp lệnh mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, Luật phí, lệ phí mới ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2017 nên cùng với đó phải ban hành kèm theo danh mục án phí, lệ phí Tòa án và có hiệu lực cùng với thời điểm Luật có hiệu lực. Luật Phí và lệ phí cũng quy định bãi bỏ hiệu lực của các Pháp lệnh, giao UBTVQH quy định cụ thể. Do đó, không cần thiết ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án mà chỉ cần UBTVQH ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình và cho rằng: Thông qua các nội dung, sau đó hoàn chỉnh Pháp lệnh này thành Nghị quyết của UBTVQH. Song, vì UBTVQH đã trình với Quốc hội là có trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nội dung này nên cần báo cáo với Quốc hội là phiên họp này đã thay Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án bằng Nghị quyết để ban hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: UBTVQH thống nhất ban hành Nghị quyết về mức thu, miễn giảm, thu nộp phí, lệ phí án phí Tòa án thay bằng Pháp lệnh. Thống nhất áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định đã được ban hành theo Luật Ban hành các văn bản QPPL và Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2017. Thống nhất về các phạm vi điều chỉnh như đã đề nghị gồm: Đối tượng, mức, chính sách miễn giảm, việc quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án như dự thảo trình. Giao UB Tài chính ngân sách chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, TANDTC, Bộ Tư pháp, VKSNDTC… rà soát, tiếp thu các ý kiến của UBTVQH hoàn chỉnh Nghị quyết đã được thông qua tại phiên họp này để ban hành.