Sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II để lại nhiều tiếc nuối cho người dân Anh nói riêng và công chúng toàn cầu nói chung. Không những thế, giới mộ điệu thời trang thế giới bày tỏ bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đến một tượng đài thời trang vương giả, thượng lưu và đầy chuẩn mực.
Không chỉ là người trị vì lâu nhất của vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là minh chứng sống của dòng chảy lịch sử thời trang suốt gần một thế kỷ. Có thể nói, bà đóng vai trò hiếm hoi, còn sót lại của thời kỳ thời trang mang trong mình những chuẩn mực khắt khe và chỉ dành cho giới thượng lưu.
Bà trở thành quốc vương Anh đầu tiên nắm quyền suốt bảy thập niên và cũng là người giữ ngai vàng lâu nhất thế giới.
Phong cách thời trang của bà được Telegraph nhận định ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng, các nhà lãnh đạo thế giới và để lại di sản cho các thế hệ kế cận.
Thời đôi mươi, cách ăn mặc của nữ hoàng do Norman Hartnell - thợ may người Anh, cũng may váy cho các thành viên khác của hoàng gia - định hình. Ông thiết kế trang phục phom dài, ôm sát người hơn so với phong cách flapper của những năm 1920.
Phong cách của ông được cho là ảnh hưởng bộ sưu tập New Look kinh điển của Christian Dior sau này. Elizabeth Holmes, nhà báo và tác giả của HRH: So Many Thoughts on Royal Style cho biết: "Nữ hoàng mê mẩn váy áo của mình. Bà trông thật quyến rũ ngay từ thời trẻ".
Nhiều tuổi hơn một chút, nữ hoàng mới chuyển sang phong cách cổ điển dưới sự hỗ trợ của Hardy Amies - người may trang phục cho bà từ những năm 1950-1990.
Các thiết kế của ông đơn giản hơn Hartnell, phù hợp với việc nữ hoàng muốn gần gũi hơn với người dân. Năm 1970, trong chuyến công du đến Australia và New Zealand, bà luôn tránh các bộ trang phục mang vẻ đẹp lạnh lùng, khó gần khi giao lưu với các chính trị gia và dân chúng.
Phong cách ngày nay của nữ hoàng là nhờ Angela Kelly, nhà may trang phục hoàng gia từ năm 2002, xây dựng. Tủ đồ của bà được hiện đại hóa bằng những màu sắc tươi sáng, nổi bật, phom vừa vặn.
Năm 2008, khi tham dự một trận đấu khúc côn cầu ở Slovakia, nữ hoàng đi một đôi bốt cao màu đen, váy sequin và đội mũ lông vũ. Holmes nói với Vogue: "Thật vui biết bao khi thấy một phụ nữ ở độ tuổi 80 đi ủng cao đến đầu gối. Khi bà mặc màu hồng tươi hoặc cam rực rỡ, tôi tin hình ảnh đó tự động chiếm lấy trái tim bạn, vì có điều gì đó rất ngọt ngào và thân thương".
Nữ hoàng Anh tạo ra một công thức riêng cho diện mạo của mình: mũ - áo khoác - túi Launer - giày. Cách phối này đã tạo tiền lệ cho những nữ chính trị gia khác trong nhiều thập niên.
Điển hình, những bộ đầm kèm ngọc trai của Margaret Thatcher vào những năm 1980 hoặc việc Angela Merkel sử dụng màu sắc rực rỡ, đồng nhất... đều được truyền cảm hứng từ nữ hoàng Anh.
Nữ hoàng Anh rất chú trọng việc sử dụng màu sắc. Với chiều cao 1,6 m, trong trang phục sặc sỡ như vàng, hồng fuchsia, tím, xanh hoa dừa cạn, cam... bà không thể bị lẫn giữa đám đông.
Bên cạnh màu sắc, bà dùng mũ để phân biệt giữa đám đông, tạo dấu ấn riêng. Nhà thiết kế Rachel Trevor-Morgan - người làm mũ cho hoàng gia từ năm 2014 - nói trên tạp chí: "Người Anh nổi tiếng với những chiếc mũ và nữ hoàng chính là người thúc đẩy danh tiếng đó".
Đĩnh đạc, phù hợp và luôn mang tính chiến lược, lựa chọn phong cách của Nữ hoàng Anh được xem là một hình thức ngoại giao đầy ẩn ý.
Nhiều thiết kế thời trang nổi tiếng trên toàn thế giới đã phải cùng nhận định Nữ hoàng Elizabeth II thực sự có sức ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp thời trang.
Hình tượng Nữ hoàng Elizabeth II trong những trang phục màu sắc rực rỡ: