Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26 của UBTVQH

Ngọc Mai| 13/08/2018 11:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (13/8), tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26 của UBTVQH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp

Hai nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn gồm: Một là, về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hai Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Đặt câu hỏi trọng tâm, trả lời cụ thể rõ ràng

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH nêu rõ, hai nhóm vấn đề này được lựa chọn trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, ý kiến, kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội.

Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt kết quả tốt, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các ĐBQH nêu câu hỏi đúng với các nhóm vấn đề chất vấn được đưa ra. Câu hỏi ngắn gọn, không đi vào nêu vấn đề, mà cần vào thẳng trọng tâm. Nhấn mạnh mỗi ĐBQH có một phút nêu câu hỏi, Bộ trưởng có ba phút trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, để bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian chất vấn, không ảnh hưởng đến lượt chất vấn của ĐBQH khác, sẽ ưu tiên cho các ĐBQH chất vấn được tranh luận. Chủ tịch QH cũng đề nghị, các bộ trưởng trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề được đưa ra, nêu rõ trách nhiệm, giải pháp, lộ trình khắc phục các điểm hạn chế.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tham gia trả lời chất vấn, giả trình về những vấn đề liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại Phòng Tân Trào, ĐBQH có thể bấm nút đăng ký chất vấn, tranh luận được thực hiện bằng hình thức giơ biển tên. Tại các đầu cầu trực tuyến, ĐBQH đăng ký chất vấn và tranh luận bằng gọi vào số điện thoại.  

Thành quả thực hiện chính sách dân tộc là rất lớn

Báo cáo ngắn gọn với các ĐBQH về tình hình thực hiện chính sách dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Văn Chiến nêu rõ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS - MN) chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu...

Cùng với xu thế phát triển của nền kinh tế cả nước, kinh tế - xã hội vùng miền núi những năm vừa qua có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 vùng Tây Bắc năm đạt 8,4%, Tây Nguyên 8,09% và Tây Nam bộ là 7,26%. Cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các ngành: dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp tuy giảm nhưng bình quân các tỉnh thuộc vùng vẫn chiếm trên 50%. Kết cấu hạ tầng ở vùng DTTS - MN đã thay đổi rõ rệt, từng bước hoàn thiện và đồng bộ hóa. Trên 95% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, hầu hết số xã đặc biệt khó khăn đã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm từ 3 - 4% năm.

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26 của UBTVQH

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại phiên họp

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng chỉ rõ, đây vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao: Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là: 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%; Tây Nguyên 12,86%; các tỉnh Bắc Trung bộ là 8,2% (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%). Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc bị thiên tai.

Công tác giáo dục ở vùng DTTS - MN đã có nhiều tiến bộ. 100% số xã có trường tiểu học, hầu hết các xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Loại hình trường nội trú, bán trú đang phát triển, hiện nay cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô 91.193 học sinh, 4 trường dự bị đại học với quy mô trên 4000 học sinh/năm. Các tỉnh DTTS - MN đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế...

Mạng lưới y tế phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư, 99,4% xã có nhà trạm y tế xã, trong đó có khoảng 60% số trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đến năm 2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí. Các dịch bệnh ở DTTS  - MN như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng...

Giá trị văn hóa dân tộc đang được quan tâm bảo tồn và phát huy như: Khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức liên hoan văn hóa, nghệ thuật, thể thao khu vực, thi trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam... Hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc được quan tâm đầu tư đến các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS - MN được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả.An ninh quốc phòng được giữ vừng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào đường lối đổi mới và chính sách của Đảng. Tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, những thành quả thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua là rất lớn. Dẫu vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng chỉ rõ những vấn đề tồn tại như: Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo còn cao; đào tạo nghề  còn nhiều bất cập.Việc thực hiện một số chính sách ưu đãi về giáo dục cho DTTS - MN (chế độ cử tuyển, dự bị đại học, trường dân tộc nội trú, chế độ ưu đãi giáo viên, cán bộ các trường chuyên biệt...) đã thu được những kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của vùng DTTS - MN. Tình trạng du canh du cư, di cư tự phát, chặt phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo trái pháp luật diễn biến phức tạp, tạo ra một số vụ việc nổi cộm ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc... tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Vùng DTTS - MN là vùng trực tiếp chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai, điều kiện sống và sản xuất của đồng bào DTTS đã khó khăn lại càng khó khăn hơn trước tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang có nguy cơ dần bị mai một, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục. Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, đặc biệt đội ngũ cán bộ chất lượng còn hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26 của UBTVQH