Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang...”

Nhật Minh| 20/06/2014 16:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây 89 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng ta do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thành lập đã xuất bản số báo đầu tiên.

Đây cũng là sự kiện khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

 

Báo chí đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc

 

Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, báo chí cách mạng Việt Nam luôn luôn phấn đấu hoàn thành sứ mệnh của mình, là vũ khí tư tưởng sắc bén, phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

 

Bác đã từng dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành chính quyền, Bác đã cùng các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng trực tiếp dìu dắt, chỉ đạo, trực tiếp làm báo, đồng thời chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ những người viết báo chuyên nghiệp, đón trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

 

Thực hiện lời dạy của Bác, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh gian khổ, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã “tay súng tay bút” sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hơn 400 nhà báo đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến để kịp thời chuyển tải những dòng tin, ảnh nóng bỏng ở chiến trường tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Sự hy sinh của các nhà báo đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà. Và, cũng chính vì thế, bên cạnh các loại hình văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền khác thì báo chí cách mạng thực sự là cuốn sử biên niên cập nhật những diễn biến lịch sử trọng đại của dân tộc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang...”

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam

 

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới. Trong công cuộc đổi mới, nhà báo góp một phần quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết loạt bài đăng trên Báo Nhân dân trên chuyên mục “Những việc cần làm ngay”; báo chí cổ vũ công cuộc đổi mới và cũng phấn đấu vươn lên tự đổi mới chính mình, mà trọng tâm là đổi mới thông tin. Báo chí kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống xã hội, đến với các tầng lớp nhân dân; phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, làm cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân. Đồng thời, báo chí tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống các tệ nạn xã hội, chống lại các âm mưu và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội - tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Nỗ lực phấn đấu xứng đáng truyền thống vẻ vang

 

Theo đà phát triển của công cuộc đổi mới, báo chí nước ta có bước tiến nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, cả nước có trên 800 cơ quan báo in với hàng ngàn ấn phẩm, có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có hai đài quốc gia... cùng đội ngũ gần 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ; 19.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại các chi hội, liên chi hội. Đáng chú ý là trước những yêu cầu mới, những người làm báo ngày càng có bản lĩnh chính trị vững vàng, nỗ lực phấn đấu, nâng cao nhận thức chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn; có nhiệt tình và tâm huyết để phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước, kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

 

Đặc biệt, những năm gần đây, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của mình, báo chí cả nước đã tuyên truyền, cổ vũ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X, XI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, báo chí đã đưa tin nhanh nhạy, phản ánh phong phú, đa chiều về các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế. Thông tin và truyền thông rộng rãi về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành sôi động, quyết liệt của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác đối ngoại. Báo chí không chỉ coi trọng việc phát hiện, giới thiệu và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt… mà còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang...”

Bác Hồ tặng hoa phóng viên

 

Như vậy, có thể nói, đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và vươn lên, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao. Báo chí cách mạng của nước ta đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 

 

 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với nhiệm vụ thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, những nhà báo chân chính hơn ai hết hiểu rõ chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. 

 

 Một chặng đường vinh quang đã đi qua, chúng ta cần phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, ra sức khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị và phản ánh kịp thời việc học tập, nghiên cứu, triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu quả phong trào tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

 

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc thì trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng phải tôi luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, sắc bén nghiệp vụ để trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng và Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống xã hội; trở thành diễn đàn quan trọng phản ánh tiếng nói của các tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang...”