“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”

Quang Hùng| 01/12/2015 22:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể vừa là nguyên tắc, vừa là động lực thúc đẩy thi đua mang lại hiệu quả thiết thực, và Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…".

Từ đó đã trở thành phong trào phấn đấu, thi đua trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần làm nên thắng lợi mọi cuộc cách mạng của dân tộc…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương lấy thi đua làm động lực để phát huy tinh thần yêu nước, qua phong trào thi đua để bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, biến lòng yêu nước thành sức mạnh vật chất và tinh thần trong lao động sản xuất, trong huấn luyện chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; đồng thời lấy lòng yêu nước để thúc đẩy thi đua và nâng cao hiệu quả của công tác thi đua. Người viết: "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước và cho dân tộc" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 5, tr.659). Chính vì vậy mà Bác Hồ đã đặt tên cho phong trào thi đua của nhân dân ta là phong trào "Thi đua yêu nước".

Chính xuất phát từ quan điểm coi nhân dân là người làm nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thi đua là phát huy nội lực của toàn dân, mà ngay từ đầu, khi vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân tham gia việc nước, việc dân. Tháng 9/1945, trong hoàn cảnh kinh tế, tài chính của chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Bác Hồ đã phát động các phong trào "Tuần lễ vàng", "Hũ gạo cứu đói". Ngày 26/1/1946, để phục vụ kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Quốc lệnh ban hành 10 điều thưởng và 10 điều phạt, một văn bản pháp lý đầu tiên về chính sách khen thưởng của Nhà nước ta. Ngày 6/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58-SL đặt ba loại Huân chương cao: Sao vàng, Hồ Chí Minh và Độc lập. Ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 83-SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Phủ Chủ tịch.

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông năm 1947), theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: "Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công".

Ngày 11/6/1948, nhân dịp Kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", một lời kêu gọi có tính chất lịch sử mà cho đến ngày nay vẫn còn ý nghĩa hiện thực.

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tặng danh hiệu thi đua cho các Thẩm phán đạt nhiều thành tích trong phong trào thi đua 2015

Phong trào thi đua yêu nước trở  thành sức mạnh của hàng chục triệu người Việt Nam góp phần quan trọng để dân tộc ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước XHCN. Cũng trong phong trào thi đua yêu nước đã rèn luyện những người lao động từ người bình thường, công việc bình thường trở thành những người ưu tú. Tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc khai mạc ngày 1/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: "Thi đua cải tạo con người: Lao động sáng tạo xã hội". Theo Người, thi đua chẳng những nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà còn nhằm rèn luyện nhân cách cao đẹp cho người lao động.

Cũng theo Người, muốn có phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả thì phải có sự lãnh đạo đúng. “Trước lúc thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thực hiện đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi", “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian..." ; "kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần"…

Người yêu cầu thi đua phải trở thành một phong trào sâu rộng và liên tục trong tất cả các lĩnh vực, lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. "Tất cả mọi việc có ích cho dân sinh quốc kế, quan hệ với kháng chiến, kiến quốc, ta đều phải thi đua. Thi đua là phải toàn dân, toàn diện". Kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể vừa là nguyên tắc, vừa là động lực thúc đẩy thi đua mang lại hiệu quả thiết thực. Người huấn thị "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất ". Yêu nước phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, phục vụ đắc lực cho Tổ quốc, cho nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phong trào thi đua có sức sống mãnh liệt, lâu bền thì thi đua không bó hẹp trong phạm vi một ngành, một địa phương. "Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ngày ngày thi đua", theo đó, thi đua trở thành công việc chung cho mọi người, mọi ngành, mọi cấp.

Người cũng chỉ rõ thi đua không phải là cái gì to tát, xa lạ mà là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hàng ngày: "Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua", đồng thời trong phong trào thi đua cần xây dựng những điển hình thật tốt. Người cho rằng: "Chiến sỹ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc". Đặc biệt theo Người, tổ chức các phong trào thi đua phải thực hiện sơ kết, tổng kết, khen thưởng. Thi đua và khen thưởng luôn gắn bó với nhau. Trên cơ sở thi đua có thể chọn lựa những cá nhân và tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất để kịp thời khen thưởng. Đồng thời, khen thưởng đúng người, đúng việc lại động viên và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.

Học tập và làm theo tấm gương của Bác, trong đó có tư tưởng, quan điểm và công tác chỉ đạo về xây dựng, phát triển phong trào thi đua yêu nước giai đoạn cách mạng hiện nay là một yêu cầu quan trọng. Đây cũng chính là một di sản quý báu cho công cuộc thi đua phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi về sau còn nguyên giá trị để tạo ra sức mạnh cho dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”