SARS-CoV-2 gây chết người thế nào phụ thuộc vào cách mọi người phản ứng với virus

Ngọc Mai| 06/03/2020 14:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, việc virus SARS-CoV-2 gây chết người như thế nào không còn phụ thuộc vào chính nó mà là cách mọi người phản ứng với virus.

SARS-CoV-2 gây chết người thế nào phụ thuộc vào cách mọi người phản ứng với virus

Tổng Giám đốc Ghebreyesus khuyến cáo mọi người đều có trách nhiệm giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh, và trong trường hợp bị mắc bệnh cần giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác

Theo thông tin từ TTXVN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ phát động một chiến dịch truyền thông xã hội mới kêu gọi đảm bảo mọi người dân đều được an toàn, được hưởng các biện pháp phòng ngừa linh hoạt và được thông tin đầy đủ khi đối mặt với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thông báo ngày 5/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Chúng tôi biết mọi người đang sợ, và điều đó là bình thường và phù hợp... Nỗi sợ đó có thể được kiểm soát và giảm nhẹ khi tất cả đều được thông tin chính xác".

Đây là lý do WHO phát động một chiến dịch truyền thông xã hội có tên "Hãy sẵn sàng đối phó với COVID-19".

Theo đó, nếu ai đó cảm thấy quá sợ hãi, hãy liên hệ với những người xung quanh và tìm hiểu kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong cộng đồng của mình.

Ông Ghebreyesus cho rằng như vậy việc virus SARS-CoV-2 gây chết người như thế nào không còn phụ thuộc vào chính nó mà là cách mọi người phản ứng với virus.

Tổng Giám đốc Ghebreyesus cũng nhắc lại tầm quan trọng của sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, đồng thời kêu gọi tất cả mọi người bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng của mình.

Ông nhấn mạnh mọi người đều có trách nhiệm giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh, và trong trường hợp bị mắc bệnh cần giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Trong khi đó, quan chức Chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của WHO, bà Maria van Kerkhove kêu gọi các nước áp dụng tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản nhưng có hiệu quả mà các nước Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã triển khai.

Các biện pháp đó bao gồm xác định các trường hợp nhiễm bệnh và liên hệ với họ để tiến hành các biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Theo bà Kerkhove, mọi quốc gia đều có thể thực hiện được các biện pháp này.

Trước đó, WHO cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người COVID-19 đã làm hơn 97.000 trường hợp nhiễm bệnh và khoảng 3.300 ca tử vong tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới

* Trong bối cảnh khác sáng ngày 6/3, liên quan đến những diễn biến bệnh dịch ngày càng phưc tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu "thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ 6 giờ ngày 7/3."

Bên cạnh việc khai báo y tế bằng giấy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử tại địa chỉ website: https://www.suckhoetoandan.vn/khaiyte và có thể thực hiện khai báo ngay tại sân bay, trước khi hành khách lên máy bay; qua đó, tạo thuận lợi cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước đó, Bộ Y tế đã ra văn bản thông báo về việc áp dụng tờ khai y tế (áp dụng 1 trong 2 hình thức: qua tờ khai y tế hoặc khai báo điện tử) với các hành khách đến từ (hoặc đi qua) các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Campuchia, bắt đầu từ 0 giờ ngày 7/3 tại tất cả các cửa khẩu.

Dự kiến ngày 7/3, Tổ liên ngành do Bộ Y tế chủ trì, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể 4 hình thức cách ly tập trung có đủ điều kiện: tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế; tại cơ sở lưu trú được chỉ định như khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, resort...; cách ly tại nơi sản xuất có đủ điều kiện và cách ly tại nơi cư trú.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 9 giờ 15 phút ngày 6/3, thế giới ghi nhận 98.101 trường hợp mắc COVID-19 tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc có 80.552 trường hợp tại 31/31 tỉnh, thành phố.

Tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc có 17.549 trường hợp được ghi nhận. Một số nước có số ca nhiễm bệnh cao như Hàn Quốc 6.284 ca, Iran 3.513 ca, Nhật Bản 1.056 ca, Italy 3.858 ca...

Thế giới ghi nhận 3.386 ca tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục có 3.042 ca, Italia 148 ca, Iran 108 ca, Hàn Quốc 42 ca, Nhật Bản 12 ca (trong đó tàu Diamon Princess có 6 ca), Mỹ 12 ca, Pháp 7 ca, Hong Kong (Trung Quốc) 2 ca, Philippines 1 ca, Đài Loan (Trung Quốc) 1 ca, Thái Lan 1 ca, Australia 1 ca, San Marino 1 ca, Tây Ban Nha 3 ca, Anh 1 ca, Thụy Sĩ 1 ca và Iraq 2 ca.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
SARS-CoV-2 gây chết người thế nào phụ thuộc vào cách mọi người phản ứng với virus