Phiên họp thứ 43 UBTVQH: Mở rộng đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia

PV| 25/03/2020 07:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 24/3, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp.

PPP mặc dù là một trong những hình thức đầu tư đã được thực hiện trong thời gian qua, nhưng là lần đầu tiên một dự luật được trình ra Quốc hội.

Không nên mở rộng quá lĩnh vực đầu tư PPP

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này  cũng thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Phiên họp thứ 43 UBTVQH: Mở rộng đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia

Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Luật trinh UBTVQH cho ý kiến lần này đã thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia. Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 6 nhóm lĩnh vực (giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin) gắn với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP và giao Chính phủ quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu trong từng thời kỳ.

Đa số ý kiến cho rằng, quy định như vậy mặc dù có thu gọn so với dự thảo Luật ban đầu nhưng vẫn còn quá rộng, có thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng ở thực tiễn, nên đề nghị làm rõ căn cứ để xác định lĩnh vực đầu tư PPP.

Về quy mô đầu tư dự án PPP, đa số ý kiến nhất trí với việc giao Chính phủ quy định hạn mức quy mô đầu tư tối thiểu của dự án PPP phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và tùy từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số ý kiến nhất trí với việc quy định ngay tại dự thảo Luật quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giảm hạn mức hoặc không quy định hạn mức.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại Khoản 1, Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý.

Quy định này cũng thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, quy định quy mô không thấp hơn 200 tỷ đồng là phù hợp song đối với miền núi là khu vực chậm phát triển, hạ tầng yếu kém nên cần phải huy động nguồn lực xã hội. Do đó, đề nghị, nên có quy định đối với những khu vực khó khăn, miền núi, dân tộc thì quy mô đầu tư dự án không thấp hơn 100 tỷ và HĐND cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư nhằm thể hiện chính sách ưu tiên cho khu vực này.

Kiểm toán vào từ đầu là trái thông lệ

Một trong những nội dung còn quan điểm khác nhau chính là hoạt động kiểm toán Nhà nước. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP; một số ý kiến cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân" .

Phiên họp thứ 43 UBTVQH: Mở rộng đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, bản chất là dự án nhằm mục tiêu công, nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan.

Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, trong giai đoạn chưa thực hiện dự án, vai trò chính là của cơ quan có trách nhiệm thẩm định, chứ không phải là của cơ quan kiểm toán. Phải quy định cơ quan thẩm định dự án phải chịu trách nhiệm về dự án đó. Nếu quy định cơ quan kiểm toán vào từ giai đoạn này là trái với thông lệ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải đối chiếu với thông lệ quốc tế, bởi có một thực tế đang đặt ra hiện nay là nhiều doanh nghiệp không muốn làm BOT vì lo ngại bởi sự phiền hà của kiểm toán. Chưa thực hiện dự án đã kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần nữa có thể gây phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trước đây chúng ta thu hút đầu tư BOT khi các quy định chưa hoàn thiện, còn có những kẽ hở, do đó đã gây những phản ứng của nhân dân. Vấn đề đặt ra với dự luật này là vừa đảm bảo quy định chặt chẽ, nhưng đồng thời phải thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

Cũng trong buổi chiều, UBTVQH đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 43 UBTVQH: Mở rộng đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia