Kiểm soát, kê khai tài sản để PCTN: “Nhiều sãi nhưng không ai đóng cửa chùa”

Mai Thoa| 15/07/2016 07:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận định này được nhiều người đánh giá đúng với thực tế hiện nay, khi mà kiểm soát việc kê khai tài sản-một phần trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đang có nhiều bất hợp lý, không ai chịu trách nhiệm chính, dù có nhiều cơ quan tham gia.

Tài sản tham nhũng bị hợp lý hóa

Theo báo cáo từ các cơ quan thuộc Chính phủ, 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra gần 60.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) và 400ha đất. Nhưng số tiền thu hồi được chỉ là hơn 4,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,8%), điều này được cơ quan Công an cho rằng tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng đã diễn ra phổ biến. Và, 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng mới xác minh được trên 4.800 trường hợp, phát hiện xử lý 17 người kê khai tài sản không trung thực.

Các hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau: một bộ phận không nhỏ cán bộ (nhất là các nhóm lợi ích) vì lợi ích tư lợi sẽ không tố giác, tố cáo mà còn tham gia tiếp tay cho hành vi tham nhũng. Trong các vụ án tham nhũng, thông thường sự việc phạm tội xảy ra đã lâu, hoặc cũng đã được thanh tra, kiểm tra nội bộ; nội dung sai phạm đã được các đối tượng hợp thức, hoàn thiện hồ sơ, nên khó kết luận hành vi sai phạm trong giai đoạn điều tra ban đầu. Mặt khác, do án tham nhũng bị xử lý nặng nên các đối tượng quyết liệt cản trở ngay từ khi xác minh ban đầu đến khi xét xử bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như: cung cấp tài liệu không đúng, không khai báo hoặc che giấu tài liệu nhằm kéo dài thời gian...

Đánh giá từ thực tiễn của VKSNDTC cũng đã chỉ ra, trong 10 năm (2005 - 2015) đã thụ lý, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 3424 vụ/7700 bị can, trong đó số kết thúc điều tra, đề nghị truy tố là 2863 vụ/7192 bị can. Các vụ án được phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian qua phản ánh rõ nét diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm tham nhũng. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp; hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tập trung ở các lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, tài chính ngân hàng… Đáng lưu ý, nhiều vụ án xảy ra ở những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, ở những lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế, gây hậu quả thiệt hại kinh tế rất lớn đã gây bức xúc và giảm lòng tin trong nhân dân.

Kiểm soát, kê khai tài sản để PCTN: “Nhiều sãi nhưng  không ai đóng cửa chùa”

Xét xử đại án tham nhũng 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Agribank. Ảnh minh họa

Đặc biệt những vụ án xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản… hầu hết đều phải trưng cầu giám định, định giá tài sản mới đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, phương tiện, quy trình, quy chuẩn giám định ở một số lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu, có những vụ án phải giám định bổ sung, giám định lại nhiều lần, đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.

Nguyên nhân được kể đến trong nhóm tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn hoặc có trình độ chuyên môn cao, quan hệ rộng, phức tạp, có những vụ án xảy ra trong một thời gian dài, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành. Quá trình phạm tội, các đối tượng không chỉ thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau mà còn biết cách hợp lý hóa tài sản, hợp lý hóa chứng cứ, tài liệu, gây thách thức không nhỏ với các cơ quan tố tụng trong quá trình chứng minh tội phạm, cũng như thu hồi tài sản.

VKSNDTC cũng đưa ra nhận định, qua theo dõi quá trình thụ lý, giải quyết vụ án thời gian qua cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng mới chủ yếu chú trọng việc chứng minh hành vi phạm tội, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, dẫn đến khi tuyên bản án, tài sản hầu như đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành. Nhiều cơ quan chưa làm tốt, thậm chí chưa đặt ra tiêu chí thống kê việc thu hồi tài sản nên các số liệu hiện nay chưa phản ánh đúng, đủ thực trạng phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng.

Giám sát việc kê khai tài sản như thế nào?

Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy hơn lúc nào hết cần hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, hợp lý hóa việc công khai bản kê khai; chủ động xác minh tài sản, thu nhập; quy định các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm, giải trình thu nhập đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường; tiếp tục bổ sung chế tài xử lý vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong 10 năm qua chỉ có 17 người bị phát hiện kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và bị xử lý là con số không phản ánh đúng thực tế. Đáng ngại hơn, hiệu quả của phòng chống tham nhũng chỉ dừng lại ở con số chỉ thu hồi được gần 8%  số tiền tham nhũng đang cho thấy có nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập dù có nhiều cơ quan cùng tham gia nhưng chưa hiệu quả. Kê khai tài sản nhưng không có người giám sát, chịu trách nhiệm sẽ giống như tình trạng “nhiều vãi nhưng không ai đóng cửa chùa” vậy.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong dẫn chứng, pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thiếu nhiều biện pháp cụ thể để phòng ngừa tham nhũng. Các biện pháp minh bạch tài sản trong Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn còn hình thức và chưa mang lại hiệu quả cao. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu vẫn dựa vào ý thức tự giác kê khai; việc kiểm tra tính trung thực của hoạt động kê khai ít được thực hiện trên thực tế, chỉ đến khi sự việc bị phát hiện, các cơ quan chức năng vào cuộc thì việc kiểm tra mới được thực hiện. Thiếu cơ bản cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập trong xã hội, nhất là thực trạng sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong đời sống xã hội và các mặt hoạt động kinh tế - xã hội hiện nay. Quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn chưa rõ và thiếu cụ thể. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và VKSNDTC, nhưng không giao cho cơ quan nào làm đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thì nhận định, tài sản thiệt hại rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhưng kết quả thu hồi chưa được triệt để do tài sản tham nhũng đã được tẩu tán rất tinh vi, sử dụng vào việc tiêu xài hoang phí, được đứng tên người khác; trong nhiều trường hợp rất khó xác định tài sản tham nhũng, thậm chí có những khoản không tách bạch được.

Vì vậy, các ý kiến cho rằng, những vụ án tham nhũng xảy ra trong thời gian qua đã phản ánh rõ những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Do đó, trách nhiệm đặt ra trong đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng là không chỉ trừng trị, mà điều quan trọng hơn là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm, làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách, sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát, kê khai tài sản để PCTN: “Nhiều sãi nhưng không ai đóng cửa chùa”