3 ngày cuối cùng Kỳ họp thứ 8: Hoàn tất công tác nhân sự và xây dựng pháp luật

Ngọc Mai| 24/11/2019 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 3 ngày cuối (từ 25-27/11) của tuần làm việc thứ 6- tuần làm cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội hoàn tất quy trình công tác nhân sự bầu Ủy viên UBTVQH; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và biểu quyết một số dự án luật, Nghị quyết.

Bước vào ngày đầu của tuần làm việc (25/11), Quốc hội sẽ biểu quyết Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tiếp đó, Quốc hội sẽ biểu quyết Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Quốc hội cũng biểu quyết về Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Nghị quyết về công tác tư pháp; Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia cũng được biểu quyết,

Ba dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Xây dựng sẽ được Quốc hội thảo luận lần đầu tại hội trường. Theo quy trình, các dự án Luật này sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tiếp theo.

Tại Phiên họp bế mạc chiều 27/11, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8. 

Phiên họp bế mạc sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

3 ngày cuối cùng Kỳ họp thứ 8: Hoàn tất công tác nhân sự và xây dựng pháp luật

Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 tại Phiên họp toàn thể tại hội trường chiều 22/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV

Trước đó trong tuần làm việc thứ 5 diễn ra từ ngày 18-22/11, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng luật pháp. Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 10 dự án luật, thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi và thông qua 5 luật khác.

Đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Thư viện; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua sẽ có hiệu lực từ  ngày 1/1/2021, với nhiều điểm mới. Bộ luật có tác động sâu sắc đến người lao động, và có ý nghĩa trong xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Bộ Luật bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người lao động. Trong số 10 quy định mới với người lao động, Bộ luật lao động (sửa đổi) đã quy định tăng thêm 1 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đưa tổng số ngày nghỉ lễ, Tết lên 11 ngày thay vì 10 ngày như hiện nay và bổ sung thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương... Đáng chú ý, Bộ Luật đã Quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thông qua sẽ đẩy mạnh phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, Luật đã quy định về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, tăng số lượng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đối với cấp xã loại II. Đối với lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, sẽ chỉ duy trì 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, từ đó quyết định số lượng cấp phó chuyên trách là 1 hoặc 2 người.

Luật Thư viện được thông qua với tỷ lệ 91,51% đại biểu tán thành, trong đó liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Do đó, Luật Thư viện đã quy định cụ thể về liên thông thư viện trong hoạt động thư viện.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án được thông qua là cơ sở để kỳ vọng về sự chuyển mình của khu vực khó khăn này. Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong 8 định hướng mục tiêu của đề án nêu rõ: Đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng một nửa bình quân chung của cả nước; hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…

Quốc hội cũng đã thông qua 2 nghị quyết về   công tác nhân sự  . Đó là Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với ông Nguyễn Khắc Định. Ông Nguyễn Khắc Định đã nhận nhiệm vụ mới với cương vị là Bí Thư tỉnh Khánh Hòa từ giữa tháng 10 năm nay. Và Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế với Bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Trước đó, đầu tháng 7 năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã được bổ nhiệm làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.

Đồng thời, Quốc hội cũng đã thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 ngày cuối cùng Kỳ họp thứ 8: Hoàn tất công tác nhân sự và xây dựng pháp luật