Tin nhanh

Thổ Nhĩ Kỳ: Thập kỷ cầm quyền thứ ba cho Tổng thống Erdogan

Việt Hà 29/05/2023 - 20:48

Theo kết quả bầu cử chưa chính thức vào cuối ngày 28/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống chưa từng diễn ra của đất nước đang quay cuồng vì lạm phát cao và hậu quả của trận động đất san bằng toàn bộ các thành phố.

Thời gian cầm quyền bước sang thập kỷ thứ 3

Với hơn 99% thùng phiếu được mở, kết quả không chính thức từ các hãng thông tấn cho thấy ông Erdogan đã có được 52% phiếu bầu, so với 48% của đối thủ, ông Kemal Kilicdaroglu. Người đứng đầu ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận chiến thắng, nói rằng ngay cả mất toàn bộ số phiếu chưa được kiểm, kết quả vẫn là một nhiệm kỳ nữa cho ông Erdogan.

tho.jpg
Ông Recep Tayyip Erdogan vẫy chào người ủng hộ tại dinh tổng thống, ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong hai bài phát biểu, một ở Istanbul và một ở Ankara, ông Erdogan cảm ơn quốc gia đã tin tưởng giao cho ông thêm một nhiệm kỳ tổng thống 5 năm nữa. “Chúng tôi hy vọng sẽ xứng đáng với sự tin tưởng của các bạn, như chúng tôi đã làm trong 21 năm qua”, ông nói với những người ủng hộ trên một chiếc xe buýt vận động tranh cử bên ngoài nhà riêng ở Istanbul sau khi có kết quả.

Ông nói rằng sự chia rẽ trong cuộc bầu cử hiện đã kết thúc, nhưng ông vẫn tiếp tục công kích đối thủ của mình cũng như cựu đồng lãnh đạo của đảng thân người Kurd, người đã bị bỏ tù trong nhiều năm vì bị cáo buộc có liên quan đến khủng bố.

“Người chiến thắng duy nhất ngày hôm nay là Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nói trước hàng trăm nghìn người tập trung bên ngoài dinh Tổng thống ở Ankara, hứa sẽ làm việc chăm chỉ cho thế kỷ thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, mà ông gọi là “thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ”. Thổ Nhĩ Kỳ năm nay kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh.

Đối thủ của ông Erdogan, ông Kilicdaroglu đã vận động tranh cử với những lời hứa sẽ đảo ngược cái mà ông gọi là “sự sa sút dân chủ” của Chính phủ ông Erdogan, khôi phục nền kinh tế bằng cách quay trở lại các chính sách thông thường hơn và cải thiện quan hệ với phương Tây. Ông nói rằng cuộc bầu cử này là "bất công nhất từ ​​​​trước đến nay" vì tất cả các nguồn lực nhà nước được huy động cho ông Erdogan.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đi đầu trong cuộc đấu tranh này cho đến khi nền dân chủ thực sự đến với đất nước của chúng tôi”, ông Kilicdaroglu nói tại Ankara. Kilicdaroglu cảm ơn hơn 25 triệu người đã bỏ phiếu cho ông và yêu cầu họ “hãy luôn đứng thẳng và thể hiện ý chí muốn thay đổi”.

tho2.jpg
Những người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ăn mừng tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tối 28/5.

Những người ủng hộ ông Erdogan xuống đường ăn mừng, vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc cờ đảng cầm quyền, bấm còi xe và hô vang tên ông. Tiếng súng ăn mừng đã phát ra ở một số khu phố ở Istanbul.

Chính phủ của ông Erdogan đã phủ quyết đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển và mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, khiến Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án chế tạo máy bay chiến đấu do nước này đứng đầu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp môi giới một thỏa thuận quan trọng cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. “Không ai có thể coi thường quốc gia của chúng ta”, ông Erdogan nói ở Istanbul.

Erdogan, người đã nắm quyền lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong 20 năm, chỉ suýt chút nữa đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 14/5. Đây là lần đầu tiên ông không giành chiến thắng ngay lập tức, nhưng ông đã bù đắp được vào cuộc bầu cử thứ diễn ra hôm Chủ nhật.

Niềm tin và sự ủng hộ của người dân

Các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Tổng thống Nga Putin cho biết chiến thắng của Erdogan là "bằng chứng rõ ràng" rằng người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ những nỗ lực của ông nhằm "củng cố chủ quyền quốc gia và theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập".

Trong khi đó, Tổng thống Zelenskyy cho biết, ông trông đợi vào việc xây dựng mối quan hệ đối tác giữa hai nước và tăng cường hợp tác “vì an ninh và ổn định của châu Âu”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông mong muốn “tiếp tục hợp tác với tư cách là đồng minh NATO trong các vấn đề song phương và những thách thức toàn cầu chung”.

Trong cuộc bầu cử, hai ứng cử viên đưa ra những tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về tương lai và quá khứ gần đây của đất nước. Những người chỉ trích đổ lỗi cho các chính sách kinh tế của ông Erdogan là nguyên nhân khiến lạm phát tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nhiều người cũng đổ lỗi cho Chính phủ của ông phản ứng chậm chạp trước trận động đất giết chết hơn 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Erdogan cho biết việc xây dựng lại các thành phố bị động đất tàn phá sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông, đồng thời cho biết một triệu người tị nạn Syria sẽ quay trở lại các "vùng an toàn" do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Syria như một phần của dự án tái định cư đang được thực hiện với Qatar.

Tổng thống Erdogan đã giành được sự ủng hộ của các cử tri bảo thủ, những người vẫn hết lòng ủng hộ ông vì đã nâng cao vị thế của đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được thành lập dựa trên các nguyên tắc thế tục, và vì đã nâng cao ảnh hưởng của đất nước trong nền chính trị thế giới.

Tại Ankara, cử tri Hacer Yalcin ủng hộ Tổng thống Erdogan cho biết tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ rất tuyệt vời. “Tất nhiên Erdogan là người chiến thắng... Còn ai nữa? Ông ấy đã làm mọi thứ cho chúng tôi”, Yalcin nói. “Chúa phù hộ chúng ta!”

Ông Erdogan, một người Hồi giáo 69 tuổi, sẽ nắm quyền cho đến năm 2028. Ông đã chuyển đổi chức vụ Tổng thống từ một vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ sang một văn phòng quyền lực thông qua cuộc trưng cầu dân ý năm 2017 với chiến thắng sít sao, loại bỏ hệ thống quản trị nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông là Tổng thống được bầu trực tiếp đầu tiên vào năm 2014 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018 mở ra nhiệm kỳ Tổng thống hành pháp.

Nửa đầu nhiệm kỳ của Erdogan bao gồm các cải cách cho phép đất nước bắt đầu đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu và tăng trưởng kinh tế giúp nhiều người thoát nghèo. Nhưng sau đó, ông bị chỉ trích là tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay mình, đặc biệt là sau một âm mưu đảo chính thất bại mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là do giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen có trụ sở tại Mỹ dàn dựng.

Đối thủ của ông Erdogan là một cựu công chức mềm mỏng, người đã lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa thân thế tục, kể từ năm 2010. Trong một nỗ lực để tiếp cận với các cử tri theo chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bỏ phiếu, ông Kilicdaroglu cam kết sẽ gửi người tị nạn trở lại và loại bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với các chiến binh người Kurd nếu ông đắc cử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổ Nhĩ Kỳ: Thập kỷ cầm quyền thứ ba cho Tổng thống Erdogan