Thiếu hành lang pháp lý, lao động trong lĩnh vực kinh tế số đang gặp khó

TS Lê Đăng Doanh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương)| 01/05/2019 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số, song thành phần kinh tế này có lúc đang bị nhầm là phi chính thức.

Nhiều hạn chế

Theo Tạp chí Forbes, nền kinh tế số toàn cầu đang có tốc độ phát triển nhanh chóng với giá trị vào khoảng 3 nghìn tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,8% nền kinh tế toàn cầu vào năm 2016. Sự phát triển kinh tế số còn thể hiện ở việc có khoảng 200 thành phố trên toàn thế giới dự kiến xây dựng thành phố thông minh. Dự báo đến năm 2020, tổng thị trường thành phố thông minh toàn cầu ước đạt 1,5 nghìn tỷ USD, chiếm 38% tỷ trọng của kinh tế số toàn cầu, tập trung chính ở các lĩnh vực chính phủ điện tử, năng lượng thông minh và y tế. Còn theo thông tin từ Google và Temasek, nền kinh tế số của khu vực ASEAN đã có những đột phá trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số khu vực ASEAN năm 2017 đã vượt kì vọng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 27%/năm và đạt mốc 50 tỉ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực (dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025). Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các ngành như du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến.

Ở Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện trên hầu hết các lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế... Nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn,...), các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo...), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS), thanh toán trực tuyến của các ngân hàng... Mặc dù vậy, so với thế giới, Việt Nam vẫn chưa phải là nước phát triển mạnh về kinh tế số. Bằng chứng là trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay, tỷ trọng của thương mại điện tử mới chiếm 3,6%, đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình 14,5% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong nền kinh tế số, xếp hạng của Việt Nam cũng chưa cao. Theo xếp hạng Chỉ số Phát triển số hóa (Digital Evolution Index - DEI) của Trường Đại học Tufts, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam đạt 2,19/5 điểm, xếp thứ 48/60 nền kinh tế. Năm 2016, cơ quan xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc UNPAN xếp hạng Việt Nam xếp thứ 89/193 nền kinh tế; năm 2017, Việt Nam lên được 1 bậc, xếp thứ 88/193 nền kinh tế. Trong bảng xếp hạng giữa các nước ASEAN, Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 6/11 nước.

Thiếu hành lang pháp lý, lao động trong lĩnh vực kinh tế số đang gặp khó

Hình minh họa

So với sự phát triển của công nghệ và sự năng động của nền kinh tế hội nhập sâu, bộ máy quản lý nhà nước của Việt Nam đã bị chậm. Một thách thức khác đối với kinh tế số ở Việt Nam là vấn đề an ninh, bảo mật mạng. Khi kỹ thuật số trở nên phổ biến, doanh nghiệpgặp khó khăn trong việc làm thế nào để ngăn chặn và giải quyết vấn đề tấn công qua mạng. Bài học ngày 20/7/2018 của Singapore khi hệ thống Chính phủ điện tử y tế SingHealth bị tin tặc tấn công, lấy cắp 1,5 triệu hồ sơ bệnh án và đơn thuốc của 160.000 bệnh nhân, kể cả hồ sơ bệnh án và đơn thuốc của Thủ tướng Lý Hiển Long là một ví dụ đắt giá. Sau sự cố này, Chính phủ Singapore đã phải thiết lập hai mạng lưới riêng biệt, ngăn cách tin tặc tiếp cận được với hệ thống mạng của Chính phủ.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thương mại điện tử, các thủ tục như: giấy phép, điều kiện kinh doanh, chi phí hải quan vẫn còn rườm rà, chồng chéo, chất lượng kho vận chưa tương xứng so với nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó,  việc xây dựng lòng tin của người tiêu dùng vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến, giao hàng qua bưu điện cũng chưa hiệu quả, làm hạn chế sự phát triển của hình thức kinh doanh này. Mặt khác, có thể dễ nhận thấy là khả năng thích ứng với nền kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Khu vực doanh nghiệp này có nhiều hạn chế về trình độ quản trị, tiếp cận nguồn vốn và công nghệ để hiện đại hóa và mở rộng sản xuất kinh doanh thông qua nền kinh tế kỹ thuật số.

Bị đẩy sang phi chính thức

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu một môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số và giao dịch điện tử. Sự chậm trễ này đã khiến các hoạt động kinh tế số tạm thời bị đẩy sang khu vực phi chính thức, buộc cơ quan thuế phải truy thu.

Chỉ tính riêng năm 2017, theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này đã triển khai rà soát các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Cụ thể, Chi cục thuế Hà Nội đã rà soát, thu thập cơ sở dữ liệu của 13.422 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng, trong đó 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế. Chi cục thuế TP.HCM cũng đã gửi 13.145 giấy mời với trên 15.297 website và tài khoản Facebook do cơ quan thuế thu thập được tới các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử. Tại Đà Nẵng, Chi cục thuế TP này  cũng đã rà soát 11.072 chủ tài khoản, Khánh Hòa có 6.729 chủ tài khoản, Nghệ An có 3.545 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng… Cũng trong năm 2017, Chính phủ bắt đầu thực hiện kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi này.

Một điều dễ dàng nhận thấy là càng chậm trễ, hoạt động kinh tế số càng bị rơi vào khu vực kinh tế phi chính thức nhiều hơn, bởi đây là lĩnh vực có tốc độ phát triển vũ bão. Do đó, để phát triển nền kinh tế số một cách chính quy, hợp pháp, Nhà nước cần kịp thời xây dựng môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số và giao dịch điện tử. Khung pháp lý cơ bản có thể gồm luật về văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử và luật chữ ký số, để tạo điều kiện cho Nhà nước quản lý tốt lĩnh vực này.

Tổ chức Lao động quốc tế ILO dự báo, 86% lao động trong dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm do ứng dụng người máy và các tập đoàn giảm sử dụng lao động giản đơn. Đối với người lao động, cho đến nay, vai trò người máy vẫn chưa được xác định, đó thực sự là “thiên thần cứu tinh hay ác quỷ”, có nên đánh thuế người máy hay không? Nếu không đạt được đồng thuận xã hội, không tạo được việc làm mới cho những lao động mất việc vì người máy, xung đột xã hội sẽ khó tránh khỏi.

Ngoài ra, tại Hội nghị G20 diễn ra ở Aghentina vào tháng 11-2018, một báo cáo của Tổ chức GPFI (Global Partenership for Financial Inclusion) về “số hóa và tính phi hình thức” đã đề nghị phải số hóa mạnh mẽ các quan hệ tài chính của cá nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giảm mạnh tỷ lệ kinh tế phi hình thức trong nền kinh tế. Báo cáo cũng đề xuất nhiều biện pháp như sớm số hóa hệ thống chứng minh cá nhân và đăng ký thể nhân; thực hiện rộng khắp hệ thống thanh toán số qua mạng, nâng cấp hệ thống cung cấp thông tin kinh tế - xã hội cho toàn thể dân chúng. tăng cường bảo vệ sự an toàn tài chính của người dân trong giao dịch mua bán…

Thực tế trên cho thấy, đặc trưng của nền kinh tế số là hoạt động xuyên biên giới, do đó, các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan tài chính Việt Nam cần phải hợp tác, trao đổi thông tin với các nước liên quan, nhằm thực hiện những phương thức quản lý phù hợp đối với nền kinh tế này. Đây thực sự là một công cuộc chuyển đổi có tính cách mạng của toàn thể nền kinh tế và xã hội, đòi hỏi Việt Nam phải nhận thức đúng những cơ hội và thách thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, kịp thời ngăn chặn tình trạng một bộ phận kinh tế số chưa được kiểm soát bị rơi vào khu vực kinh tế phi chính thức - điều mà chính những lao động đang hoạt động trong nền kinh tế số không hề mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu hành lang pháp lý, lao động trong lĩnh vực kinh tế số đang gặp khó