Tuyến đường dẫn vào thị trấn tấp nập hàng đoàn xe container, xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau tập kết về chợ chính, nơi thu mua và phân phối vải lớn nhất huyện Lục Ngạn. Người Bắc Giang vẫn tự hào gọi tuyến đường này là “con đường vải thiều” mỗi khi vào vụ.
Có mặt tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang những ngày đầu tháng 6, trong cái nắng oi nồng của mùa hè, tôi được tận mắt chứng kiến người dân huyện miền núi Lục Ngạn rộn ràng bước vào mùa thu hoạch vải mà họ mong đợi nhất trong năm.
Trò chuyện với ông Nguyễn Duy Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả huyện Lục Ngạn, được biết so với sản lượng 100.000 tấn của toàn tỉnh năm 2017, vải thiều Chũ năm nay được mùa nhất trong mọi năm kể từ mùa thu hoạch vải đầu tiên nên người dân vô cùng phấn khởi. Vải thu hoạch phần lớn đạt chất lượng tốt, quả đẹp, căng mọng, vỏ mỏng và ngọt lịm.
Thăm vườn vải của anh Trung, tên thật là Hoàng Văn Hải ở thôn Cầu Meo, xã Nam Dương, tôi đi trong hương vải, trong sắc đỏ hồng của những chùm quả mọng khẽ đung đưa trong nắng mới. Vườn nhà anh có 200 cây vải trồng được 8 năm với sản lượng thu hoạch khoảng 10 tấn nhưng là những cây cho ra chất lượng quả đẹp nhất xã. Người dân Chũ giờ đây hầu hết sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Mỹ SumaGrow thay cho phân hoá học. Đây là loại phân bón hữu cơ vi sinh tốt nhất hiện nay giúp tăng năng suất cây trồng, giúp cây phát triển mà không cần tưới nhiều nước, tăng mức dinh dưỡng cho cây, khôi phục đặc tính sinh học của đất và nguồn nước, giúp người nông dân thu hoạch được sản lượng tốt và chất lượng. Điều này cho thấy mặc dù chi phí cho chăm sóc và nuôi dưỡng cây trồng tăng nhưng người nông dân Chũ không ngại đầu tư để thu hoạch mùa trái cây chất lượng tốt nhất cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày một khất khe của người tiêu dùng.
Trên đất Chũ bây giờ, người dân trồng 3 giống vải: vải thiều Chũ, vải Thanh Hà và vải u hồng. Trong số đó, vải u hồng chín sớm ăn ngon, vải Thanh Hà hình thức đẹp, bảo quản được lâu hơn, còn vải thiều Chũ với ưu điểm vỏ mỏng, cùi vải dày, hạt nhỏ, ngọt lịm thì ăn là ngon nhất.
Để vải bán được giá, nhà vườn phải cắt vải từ 2-3h sáng để vận chuyển ra chợ vải xếp hàng cân bán trong khoảng 7-8h sáng. Càng gần trưa, giá vải sẽ xuống thấp hơn do thương lái đã mua gần đủ hàng. Giá vải được tính theo thời điểm bán trong ngày. Vải Lục Ngạn giờ phần lớn bán cho thương lái Trung Quốc, một phần xuất khẩu đi các nước, phần còn lại vận chuyển đi các tỉnh trong cả nước tiêu thụ.
Làm thế nào để bảo quản vải tươi ngon suốt quá trình vận chuyển? Tôi đã ghé thăm một số đầu mối thu mua và phân phối vải lớn tại chợ vải. Vải tươi sau khi mua từ các nhà vườn được nhúng vào nước đá. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến vải giữ lạnh để không bị khô vỏ. Người ta bỏ vào mỗi thùng xốp 7 kg đá ở chính giữa thùng, sau đó xếp vải chung quanh rồi đậy kín nắp, dán băng keo kín rồi xếp vào container lạnh để vận chuyển đường xa hay xe tải cho những tuyến gần hơn. Đó là cách bảo quản giúp vải tươi ngon, giữ được hương vị mà không dùng đến bất kỳ hoá chất bảo quản nào.
Nhà vườn cho biết, đầu vụ vải năm nay, vải đẹp bán được giá 8000-10.000/kg tại chợ vải. Người nông dân hy vọng chính vụ, vải sẽ được bán nhiều cho thương lái Trung Quốc với giá tốt hơn. Bên cạnh đó, năm nay vải rất sai, trong khi mùa thu hoạch vải lại ngắn, chỉ vỏn vẹn trong một tháng. Người dân Chũ hy vọng nhà nước có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân để mùa thu hoạch vải đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất, giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Mùa vải đến sớm, người dân Chũ lại tất bật lo toan cho mùa thu hoạch, phố Chũ cũng rộn ràng từ sáng tới đêm, thâu đêm suốt sáng. Các hàng nước đêm, quán hàng ăn, nhà nghỉ, khách sạn phục vụ chủ yếu thương lái cũng hoạt động hết công suất. Càng về đêm, tiếng xe container, tiếng xe tải chạy về tập kết lấy hàng càng rõ rệt. Nó trở thành âm thanh quen thuộc nhất với người dân Chũ trong mùa vải. Chợ vải Chũ về đêm mang không khí tấp nập giống như chợ đầu mối Long Biên của Hà Nội vậy. Các công đoạn chuẩn bị cho buổi mua hàng sớm mai từ các nhà vườn, chuẩn bị khâu đóng gói, rồi việc xếp hàng lên các xe hàng đã có hợp đồng từ trước cứ diễn ra tuần tự và liên tục cho đến sáng. Cả thị trấn nhỏ của huyện miền núi Lục Ngạn thức cùng mùa vải.
Chúc cho quả vải Chũ ngày càng đạt giá trị kinh tế cao, góp phần đưa Lục Ngạn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang và vải thiều Lục Ngạn đến tay người tiêu dùng là loại trái cây ngon, bổ dưỡng, sạch, chất lượng được đảm bảo theo đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm được yêu cầu.