Sáng 27/6, thí sinh kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019 với bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Nhiều thí sinh đánh giá đề sát chương trình học, vừa sức, nếu vận dụng kiến thức xã hội tốt thì việc đạt điểm 7 hoặc 8 là không quá khó.
Tại điểm thi trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội), thí sinh bước ra cổng trường với tâm trạng phấn khởi sau khi kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.
Em Đặng Kiều Trang chia sẻ: “Em vui lắm, vì làm bài được. Em đang tìm mẹ để báo cho mẹ mừng. Hôm qua thấy bạn em đi thi khối tự nhiên về than đề khó, có bạn còn khóc nên sáng nay em rất áp lực. Nhưng may mắn vì đề khối này của chúng em nhẹ nhàng hơn.
Đề môn Lịch sử theo em hơi dài và các câu trả lời tựa tựa nhau nhưng nếu đọc kỹ và ôn tập kỹ thì vẫn làm ổn hết. Môn Địa lý thì chỉ cần có kỹ năng sử dụng Atlat và vẽ biểu đồ là có thể đạt điểm 7. Riêng môn Giáo dục công dân đề ra nhiều tình huống, cần tư duy để tìm ra phương án đúng”.
Các thí sinh rời khỏi hội đồng thi với tâm trạng nhẹ nhõm.
Là học sinh nam và tự cho mình rất lười học bài nhưng vẫn cho rằng đề thi năm nay không quá làm khó thí sinh, Minh Quân (học sinh trường THPT Cầu Giấy) nhìn nhận: “Mỗi môn em có thể chắc trên 50%. Dù Lịch sử hơi nặng hơn so với 2 môn còn lại nhưng em vẫn làm được chắc chắn 30 câu còn 10 câu hơi khó nên em cũng chưa dám chắc.
Môn Địa lý thì em nghĩ bạn nào tệ lắm cũng phải làm được 50% vì sử dụng Atlat là trả lời được trên 50% đề rồi. Môn Giáo dục công dân không nặng nhưng phải nắm và hiểu về luật vì có khoảng 15 câu đòi hỏi những kiến thức này, còn lại em nghĩ tùy vào vốn kiến thức xã hội của mỗi người”.
Một thí sinh khác của trường THPT Cầu Giấy cũng cho rằng, đề thi môn Lịch sử khó để có điểm khá. Đề thi tập trung chủ yếu vào phần lịch sử Việt Nam nhưng cần phải suy luận nhiều, các câu hỏi từ dễ đến khó phân bố đều trong đề thi. Làm được khoảng 50% câu hỏi, thí sinh mong sẽ đủ điểm để đỗ tốt nghiệp.
Hầu hết các thí sinh bày tỏ niềm vui sau kỳ thi.
Khá hài lòng với bài thi Lịch sử, Lê Phương Thảo (THPT Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, có khoảng 25% câu rất dễ cho học sinh xét tuyển tốt nghiệp. Đề bao trùm toàn bộ kiến thức lớp 12, buộc thí sinh phải tìm hiểu sâu, nắm chắc kiến thức, từ sự kiện nhỏ nhất, mới có thể làm tốt. Với nữ sinh này, thi Lịch sử trắc nghiệm là trải nghiệm thú vị.
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, nữ sinh Nguyễn Thị Hương Trà đánh giá: “Đề thi môn Lịch sử tương đối dàn trải. Em làm được khoảng 60%. Em không cảm thấy hài lòng lắm với kết quả của kỳ thi năm nay nhưng vẫn cảm thấy khá thoải mái vì những ngày thi căng thẳng đã qua rồi”.
Cũng theo chia sẻ của nhiều thí sinh, cấu trúc đề thi Giáo dục công dân tương tự như phần ôn luyện trên lớp, các em không bị lúng túng khi làm bài. Thí sinh Nguyễn Diệp Chi cho biết: “Theo em, đề thi Giáo dục công dân dễ nhất trong 3 môn, kiến thức đều được học trên lớp. Nếu ôn chắc kiến thức thì kiểu gì cũng được 6, 7 điểm trở lên. Em để ý thấy trong phòng, môn Giáo dục công dân và môn Địa lý chúng em làm thừa thời gian khá nhiều”.
Trần Thị Phương Thủy (trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) chỉ mất 25 phút để làm 40 câu trắc nghiệm: "Rất nhiều câu về kiến thức xã hội và các tình huống pháp luật, em không nghĩ đề lại dễ như vậy", nữ sinh chia sẻ và cho rằng cách ra đề như vậy hạn chế việc học tủ, học lệch của thí sinh với các môn học xã hội.
Nam sinh không giấu được niềm vui của mình
Đối chiếu kết quả làm bài cùng nhau...
"Thi xong rồi, về nhà thôi con!"
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có hơn 468.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, chiếm tỷ lệ gần 53% tổng số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Sau khi kết thúc thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đáp án ngay, mà sẽ cân nhắc để công bố vào một thời điểm hợp lý và thích hợp. Cùng với đó, để đảm bảo tuyệt đối chính xác công bằng và ngăn ngừa các gian lận nên trong quy trình và chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT đã có những nâng cấp và điều chỉnh bổ sung trong phần mềm chấm thi trắc nghiệm. |