Theo số liệu của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (ngày 1/1/2010) đến ngày 30/7/2013, ngân sách nhà nước đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại trên 28,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền mà cán bộ, công chức hoàn trả Nhà nước (do việc thực thi công vụ sai) chỉ vài chục triệu đồng. Thậm chí có vụ trong lĩnh vực tố tụng, Nhà nước phải bồi thường hàng tỷ, song thu được một khoản tiền hoàn trả rất khiêm tốn – chừng 6 triệu đồng.
Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả (TNHT) của người thi hành công vụ, ngày 23/1/2014, liên ngành đã ban hành Thông tư liên tịch (TTLT) số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC (vừa có hiệu lực trong tháng 3).
Về xác định mức hoàn trả, TTLT quy định về các mức hoàn trả, cụ thể là: đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì mức hoàn trả tối đa không quá 3 tháng lương của người có TNHT tại thời điểm quyết định việc hoàn trả; đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của người có TNHT tại thời điểm quyết định việc hoàn trả; đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Một buổi tọa đàm về thi hành luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước
Đặc biệt, trong một số trường hợp đặc biệt như người thi hành công vụ đã nghỉ hưu, người thi hành công vụ chết, người thi hành công vụ đã chuyển sang cơ quan nhà nước khác hoặc người thi hành công vụ không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước, TNHT của người thi hành công vụ cũng được TTLT làm rõ. Chẳng hạn, nếu người có TNHT là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho họ sẽ thu hồi bằng việc trừ dần vào lương hưu hàng tháng theo mức từ 10 - 30%. Trường hợp người đó chết thì những người thừa kế di sản phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật về thừa kế...
Có ý kiến lo ngại việc siết chặt TNHT theo những quy định trên, sẽ khiến cho cán bộ, công chức chùn tay, không dám quyết định việc gì trong phạm vi thẩm quyền của họ. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Thị Tố Hằng cho biết, dù đã làm rõ từng trường hợp phải hoàn trả cho tương xứng mức độ vi phạm nhưng quy định của TTLT không thể vượt trần (không quá 36 tháng lương) mà Luật và Nghị định quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm công bằng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ, về lâu dài phải tiến tới sửa Luật, trong đó sửa đổi quy định về xác định mức hoàn trả theo hướng mọi trường hợp người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật do lỗi cố ý gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.