Thi hành án trái luật, doanh nghiệp kêu cứu

Nhóm PV điều tra| 28/05/2017 06:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù Cty CP Trung Nam và Cty TNHH Đông Nam Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc) không phải là đối tượng có nghĩa vụ thi hành án, nhưng Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM vẫn cố tình kê biên, bán đấu giá tài sản hợp pháp của DN.

Áp dụng văn bản đã hết hiệu lực

Việc kê biên, bán đấu giá tài sản trái pháp luật của Chấp hành viên đã đẩy hơn 500 công nhân thất nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có nguy cơ phá sản. Căn cứ pháp lý duy nhất để Chấp hành viên kê biên, bán đấu giá tài sản là Thông tư 12/2001/TTLT-BTP-VKSNDTC ngày 26/02/2001 hướng dẫn Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, trong khi Quyết định kê biên được tiến hành năm 2010. Tại thời điểm này, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 không còn hiệu lực vì đã được thay thế bởi Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Tại Quyết định kê biên số 457/QĐ-THA ngày 8/1/2008, Chấp hành viên căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 để kê biên (dù Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đã có hiệu lực), không hề nhắc tới Thông tư 12. Để hợp pháp hóa việc sai trái này, ngày 26/3/2010, Chấp hành viên ban hành Quyết định kê biên số 09/QĐ-THA, lúc này, phần căn cứ đã có sự hiện diện của Thông tư 12 nhưng lại để hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Không những vậy, việc áp dụng khoản 1, điều 4 Thông tư 12 của Cục THADS thành phố là có vấn đề. Tại khoản 1, điều 4 Thông tư 12 quy định: "Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của tòa án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó…". Tuy nhiên, từ khi thi hành án, Công ty TNHH TM&DV Trung Nam I không nhận được văn bản nào liên quan đến cấm chuyển nhượng tài sản, hạn chế quyền sử dụng,.... do đó, việc chuyển nhượng là hợp pháp, tài sản của Công ty CP Trung Nam đã được pháp luật công nhận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong các văn bản kết luận của mình đều khẳng định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Trung Nam I và Công ty cổ phần Trung Nam là hợp pháp; Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản kết luận, khẳng định không có dấu hiệu tẩu tán tài sản, như vậy, quyền sử dụng đất theo pháp luật thuộc về Công ty CP Trung Nam. Hợp đồng thuê đất giữa Công ty CP Trung Nam và Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam được công chứng hợp pháp. Do vậy phải được nhà nước bảo vệ theo đúng quy định tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp và Điều 169 Bộ luật dân sự.

Mặt khác, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ hướng dẫn việc kê biên tài sản. Tại điểm b, khoản 2, Điều 2 Nghị định 164/2004/NĐ-CP quy định: "Quyền sử dụng đất của người phải thi hành án được kê biên, đấu giá khi có các điều kiện sau đây: b) Người phải thi hành án có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Tuy nhiên, Công ty TNHH TM&DV Trung Nam I đã thanh lý hợp đồng thuê đất với UBND thành phố. Năm 2006, diện tích nhà xưởng và quyền sử dụng 4.721m2 đất đã là tài sản hợp pháp của Công ty CP Trung Nam được thể hiện bởi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất do UBND TP Hồ Chí Minh cấp. Như vậy, tại thời điểm kê biên, Công ty Trung Nam I không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 4.721m2 đất và nhà xưởng, theo quy định trên thì Chấp hành viên không được phép kê biên diện tích đất này.

So sánh về mặt khoa học, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản, được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rõ ràng Nghị định có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư, khi sử dụng làm căn cứ pháp lý, đúng ra, Chấp hành viên phải áp dụng Nghị định 164/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Không chỉ là sự vi phạm trong việc vận dụng các văn bản dưới luật để kê biên tài sản không được phép kê biên, việc kê biên, bán đấu giá thi hành án của chấp hành viên Cục THADS TP Hồ Chí Minh còn có những biểu hiện vi phạm nghiêm trọng.

Thi hành án trái luật, doanh nghiệp kêu cứu

Văn bản của nhiều Bộ ngành Trung ương chỉ nhiều "uẩn khúc" trong vụ thi hành án kiểu "kì lạ". Ảnh: Dân trí

Kê biên, bán đấu giá tài sản sai đối tượng

Đối tượng phải thi hành án theo nội dung bản án số 42/KTST ngày 06/9/2001 của Tòa phúc thẩm TANDTC và bản án số 976/DSPT ngày 18/6/2003 của TAND thành phố Hồ Chí Minh là Công ty TNHH TM&DV Trung Nam I (không phải Công ty CP Trung Nam hay Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam). Việc Chấp hành viên kê biên bán tài sản hợp pháp của Công ty cổ phần Trung Nam là sai về chủ thể, nghĩa vụ, đối tượng thi hành án, không đúng nội dung các bản án trên.

Đáng lưu ý, ngay sau khi có Quyết định kê biên tài sản, dù Công ty cổ phần Trung Nam và Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam liên tục có đơn khiếu nại, Cục THADS thành phố vẫn nhanh chóng chuyển hồ sơ và tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất với giá 9,75 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều giá trị thực tế mà không cân nhắc tới quyền lợi hợp pháp của Công ty cổ phần Trung Nam. Tại sao chưa giải quyết khiếu nại mà Cục THADS thành phố đã vội vàng bán đấu giá tài sản trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có Văn bản báo cáo kết quả kiểm sát hồ sơ thi hành án dân sự (kết luận số 3975/VKSTC-V11 ngày 3/10/2016) chỉ ra hàng loạt sai phạm của Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh: “Trong vụ việc này, cơ quan thi hành án dân sự vừa quyết định kê biên tài sản là quyền sử dụng đất (trong khi người bị kê biên là Công ty Trung Nam I không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái với quy định của Nghị định 164/2004); đây là những hành vi vượt quá thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự. Việc nhận thức của Chấp hành viên đối với quy định của pháp luật còn hạn chế, dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác, không đúng nguyên tắc pháp chế. Với những vi phạm nêu trên, về nguyên tắc thì việc kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất trong vụ việc này phải bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến khiếu nại của doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo tại Văn bản số 436-GBT/VPTU ngày 20/9/2016; số 2864-CV/VPTU ngày 2/11/2016: Giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và có hướng xử lý triệt để vấn đề nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo một diễn biến khác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có Văn bản số 1368-CV/UBKTTW ngày 3/4/2017 yêu cầu báo cáo. Trước đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiến hành giám sát việc thi hành án trước khi chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan báo chí truyền thông có nhiều văn bản kiến nghị giám sát theo luật định. Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo kết quả giải quyết và đề nghị doanh nghiệp gửi tài liệu bổ sung liên quan đến đơn khiếu nại kiến nghị giám sát nhưng đến nay các cơ quan chức năng và doanh nghiệp chưa nhận được Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Đề nghị các cơ quan Trung ương và TP Hồ Chí Minh khẩn trương vào cuộc, xem xét xử lý những sai phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và các doanh nghiệp có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi hành án trái luật, doanh nghiệp kêu cứu