Một loại vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi do Trung Quốc phát triển đã được phê duyệt để thử nghiệm lâm sàng tại nước này, Tân Hoa Xã đưa tin.
Ảnh: CGTN
Trích dẫn thông báo từ Đại học Hong Kong (HKU), Tân Hoa Xã cho biết, vaccine này được phát triển bởi Phòng thí nghiệm của HKU phối hợp với Đại học Hạ Môn và Công ty Dược phẩm Sinh học Wantai Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã cũng cho hay rằng, đây là loại vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi đầu tiên được phê duyệt để thử nghiệm lâm sàng trên người.
Trước đó, Công ty China National Biotec Group (Tập đoàn Y học Trung Quốc - CNBG) cho biết có 6 loại vaccine ngừa COVID-19 đang phát triển ở Trung Quốc trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Các quốc gia trên thế giới đang tăng tốc trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19. Ngày 11/8, Nga đã đăng ký loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, đặt tên là Sputnik V. Bộ Y tế Nga đã thông báo đưa vaccine vào sản xuất để lưu hành dân sự, và cấp giấy phép thực hiện nghiên cứu sau đăng ký.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Liên bang Nga Oleg Gridnev, những người được tiêm chủng đầu tiên sẽ là các nhân viên y tế và người già. Hiệu quả của thuốc có thể được đánh giá bằng kết quả hình thành miễn dịch quần thể.
Liên quan đến việc nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất công nhận vaccine COVID-19 là thành tựu của cộng đồng.
Theo ông Guterres, bất kỳ loại vaccine nào chống lại COVID-19 đều nên được coi là thành tựu của cộng đồng, nhưng chỉ mình nó thì vẫn không thể vượt qua được cuộc khủng hoảng.
“Chỉ riêng vaccine sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng này trong thời gian ngắn. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, vaccine phải được xem như một thành tựu của cộng đồng, dành cho tất cả mọi người, bởi vì virus không có biên giới. Và chúng ta phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine và chẩn đoán”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Ông Guterres cho rằng, để chống lại COVID-19 một cách hiệu quả, cần phải vượt qua những lợi ích quốc gia hạn hẹp, bắt đầu đưa ra các quyết định chính trị và phân bổ thêm kinh phí.
"3 tỷ đô la đã được đóng góp cho Cơ chế Tăng tốc Tiếp cận vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, là tiền hỗ trợ cho giai đoạn ban đầu. Chúng ta cần thêm 35 tỷ USD để chuyển từ giai đoạn khởi động sang hoạt động vận hành”, ông nói.