Ngày 14/3, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã chính thức ký Dự luật sửa đổi Hiến pháp, một ngày sau khi tất cả các cơ quan lập pháp địa phương tại Nga bỏ phiếu ủng hộ dự luật.
Việc Tổng thống Putin ký dự luật đánh dấu bước quan trọng trong một quá trình thủ tục đặc biệt trước khi các sửa đổi Hiến pháp này có hiệu lực.
Chủ tịch Ủy ban Luật Hiến pháp thuộc Thượng viện Nga Andrei Klishas ngày 13/3 nêu rõ: “Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đã nhận được kết quả bỏ phiếu của tất cả 85 cơ quan lập pháp khu vực. Kết quả đều ủng hộ”.
Điện Kremlin đã công bố dự luật dài 68 trang này trên trang web chính thức của mình.
Trước đó, ngày 11/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua lần thứ ba và cũng là lần cuối dự luật sửa đổi Hiến pháp có tên “Cải thiện quy định về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền”, căn cứ vào đó sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga.
383 nghị sĩ đã ủng hộ, 43 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và không nghị sĩ nào bỏ phiếu chống. Trước đó, dự luật trên cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao trong cả 2 lần thông qua.
Cùng ngày, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật. Dự luật “Cải thiện quy định về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền” đã nhận được sự ủng hộ của 160 thượng nghị sĩ, 1 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Một trong những nội dung được quan tâm trong dự luật sửa đổi Hiến pháp là điều khoản liên quan tới nhiệm kỳ của Tổng thống Liên bang Nga. Cụ thể, một khi sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực, quy định một người không thể giữ chức vụ Tổng thống Nga quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp vẫn sẽ được áp dụng, song không tính đến số nhiệm kỳ người này đảm nhận trước đó.
Như vậy, sau khi sửa đổi Hiến pháp được áp dụng, tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin và các cựu nguyên thủ quốc gia Nga có thể tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới, bất kể số nhiệm kỳ mà những chính khách này từng đảm nhận trước đó. Ông Putin hoàn toàn có thể tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024.