Lãnh đạo Nga dường như đã coi nhẹ sức ảnh hưởng của Anh và không lường trước quy mô đòn đáp trả phương Tây sẽ nhắm vào mình.
Trong tuần qua, thế giới đã được chứng kiến sự căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây liên quan đến cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal. Cuộc khủng hoảng ngoại giao này hiện không đơn thuần chỉ là mối quan hệ giữa Nga và Anh mà đã mở rộng ra hàng loạt các quốc gia phương Tây khác, với những đồn đoán về nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới sẽ xảy ra.
Tính đến nay đã có 28 nước tuyên bố trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh. Đây được cho là một "đòn hội đồng" mà phương Tây nhắm vào Moscow và là một chiến thắng chính trị đáng kể của Thủ tướng Anh Theresa May.
Theo đó, khi bị Nga phớt lờ, không đưa ra bất cứ lời giải thích nào sau hạn chót, Anh quyết định đổi chiến thuật. Sau khi các điều tra viên thuộc lực lượng phòng hóa quân đội Anh phát hiện dấu vết chất độc Novichok, họ liền mời đại diện của Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí Hóa học (OPCW) tham gia cuộc điều tra.
Novichok được coi là một loại vũ khí hóa học nguy hiểm, có độc tính cao gấp nhiều lần so với những chất độc thần kinh khác như VX hay sarin. Sự tham gia của một tổ chức quốc tế như OPCW làm gia tăng đáng kể độ tin cậy của cuộc điều tra, tạo điều kiện cho bà May gọi điện kêu gọi các lãnh đạo đồng minh có biện pháp đáp trả Nga.
Lãnh đạo Nga dường như đã coi nhẹ sức ảnh hưởng của Anh
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không mấy quan tâm đến lời cáo buộc của Anh trong một vụ việc được coi là riêng lẻ. Nga từ lâu luôn coi Anh là một quốc gia yếu ớt và ngày càng bị cô lập sau Brexit, trong khi EU thì đang bị chia rẽ bởi khủng hoảng kinh tế và tị nạn.
Trong khi đó, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Putin vẫn chỉ tung ra những lời bác bỏ thẳng thừng các cáo buộc, tuyên bố Điện Kremlin không có thông tin gì về vụ tấn công ở Salisbury. Họ cũng đưa ra một loạt thuyết âm mưu về nguồn gốc của chất Novichok, thậm chí còn cho rằng chất độc này được chế tạo ở Thụy Điển hay Cộng hòa Czech.
Tổng thống Putin không ngờ trước rằng vụ tấn công ở Salisbury là "giọt nước tràn ly", khi Mỹ và một loạt nước phương Tây khác từ lâu đã tỏ ra tức giận với các hoạt động của Nga, như cáo buộc Nga can thiệp các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu, tiến hành tấn công do thám trên mạng, và can dự vào xung đột tại Ukraine, Syria…
Dường như, sự kiên nhẫn mà phương Tây dành cho Nga đã chạm tới đỉnh điểm và những cuộc gọi thuyết phục đồng minh "đánh hội đồng Nga" của bà May đã phá vỡ giới hạn đó, dù London chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục về vai trò của Moscow trong cuộc tấn công.
Trước đó, các nước phương Tây cũng đã có những phản ứng độc lập trước hành động của Nga, nhưng đây có thể đây là hoạt động phối hợp đầu tiên trong trong một trật tự địa chính trị mới.
Theo giới phân tích, đây không chỉ là đợt trục xuất nhà ngoại giao Nga lớn nhất của Mỹ trong hơn 30 năm qua, mà còn là đòn trừng phạt tập thể quy mô nhất trong lịch sử tình báo thế giới, có thể khiến nước Nga hứng chịu hậu quả nặng nề trong thời gian dài.
Còn các chuyên gia tình báo cho rằng, đòn trừng phạt hội đồng này gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với những lần trục xuất riêng lẻ trước đây. Nga sẽ gần như không thể bù đắp được những lỗ hổng trong mạng lưới tình báo mà các nhân viên bị trục xuất để lại tại 28 quốc gia cùng một lúc, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu thập thông tin ở nước ngoài của họ. Đây có thể là quãng thời gian tồi tệ nhất của các cơ quan tình báo Nga trong suốt nhiều thập kỷ qua, cũng là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ trong quan hệ giữa Nga với phương Tây.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tình báo, chiến dịch trục xuất này sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến năng lực tình báo của Moscow. Nhận định này được sự đồng tình của ông John Sipher, cựu quan chức cấp cao Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Theo ông Sipher, nếu xem mạng lưới tình báo của Nga ở phương Tây phụ thuộc vào các điệp viên giả danh nhà ngoại giao như thời Chiến tranh lạnh thì đó là suy nghĩ đã lỗi thời. Thực tế, hiện tại mạng lưới này phụ thuộc chủ yếu vào các điệp viên bên ngoài cơ sở ngoại giao. Ngoài KGB, Nga còn có Tổng cục Tình báo nước ngoài (SVR) và Cơ quan Tình báo quân sự (GRU) quản lý nguồn tình báo rất tốt, thậm chí có hàng loạt phương án dự phòng.
SVR và GRU hoạt động rất mạnh bên ngoài các cơ sở ngoại giao Nga, có mạng lưới đặc vụ và điệp viên bí mật tại phương Tây đa dạng hơn nhiều nếu so với các mạng lưới của các nước phương Tây ở Nga.
Theo nhiều nhà hoạt động tình báo chuyên nghiệp phương Tây, sở dĩ Nga có mạng lưới điệp viên rộng hơn các đối thủ phương Tây trong đó có Mỹ là vì đa dạng tiêu chuẩn tuyển nhân lực. Nga sử dụng cả các doanh nhân, học giả, nhân viên làm việc phi chính phủ, nhà báo vào quá trình thu thập thông tin tình báo.
Cũng theo ông Sipher, Nga còn có trong tay một kịch bản cho khủng hoảng ngoại giao, cho phép duy trì hoạt động tình báo ở phương Tây thậm chí trong trường hợp các nước cùng lúc cắt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Nga.
Ông Sipher không tin rằng phương Tây có thể thay đổi được chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu chỉ bằng trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga. Mặt khác, ông Sipher lo ngại hành động này có thể gây hại cho hoạt động tình báo của phương Tây ở Nga. Bởi một khi Nga quyết định vào cuộc trả đũa thì phía bị tổn thương nhiều hơn là phương Tây chứ không phải Nga. Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước cuộc chiến ngoại giao của phương Tây. Ngược lại, phương Tây càng cố gắng đe dọa, Nga sẽ càng đáp trả mạnh mẽ hơn.