Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải để phản đối chiến dịch tung tin giả toàn cầu trắng trợn về đại dịch Covid-19.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập đại sứ Thôi Thiên Khải sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên Twitter rằng: "quân đội Mỹ có thể đã mang nCoV đến Vũ Hán".
Thay vì gỡ bỏ các "tin đồn", bộ máy kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc đã cho phép người dùng mạng xã hội lan truyền những thuyết âm mưu tương tự về việc Mỹ đứng sau sự bùng phát của Covid-19.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên
Đây được coi là hành động đáp trả cáo buộc của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien hôm 11/3 rằng, Trung Quốc đã phản ứng chậm chạp trong những ngày đầu Covid-19. O'Brien cho rằng, sự chậm trễ của Trung Quốc có thể đã khiến thế giới mất đi hai tháng để chuẩn bị ứng phó với dịch.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi nCoV là "virus Vũ Hán", khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng gay gắt vì cho rằng thuật ngữ này "mang tính thù ghét" và "thiếu tôn trọng khoa học". Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo cách đặt tên cho các dịch bệnh, phản đối những tên gọi gây ra sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử với các nhóm dân tộc nhất định.
Bất chấp sự phản đối từ Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bắt đầu bài phát biểu trên truyền hình vào hôm 11/3 bằng cách nói Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Yun Jiang thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng, việc chính quyền ông Trump cố tình nhấn mạnh virus có nguồn gốc từ Trung Quốc là một phần trong chiến lược "chĩa mũi dùi" nhằm công kích Bắc Kinh của ông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng chỉ trích quan chức Mỹ "vô trách nhiệm và vô đạo đức" khi đổ lỗi cho nước này vì đại dịch Covid-19. Ông khẳng định tuyên bố của Mỹ không giúp ích gì cho nỗ lực chống dịch, đồng thời khuyên các quan chức ở Washington hãy tập trung sức lực vào ứng phó virus, thúc đẩy hợp tác, không đổ lỗi cho Trung Quốc.
Covid-19 xuất hiện tại 152 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 156.000 người nhiễm, hơn 5.800 người chết và hơn 75.000 người bình phục. Tổ chức Y tế Thế giới hôm 13/3 tuyên bố châu Âu là tâm Covid-19 toàn cầu, trong khi Trung Quốc tuyên bố đã qua đỉnh dịch và dự đoán có thể không ghi nhận ca nhiễm mới nào vào cuối tháng.