Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm dần nhờ những nỗ lực của Nga và Mỹ, nhưng các quốc gia đang sở hữu loại vũ khí này vẫn tiếp tục hiện đại hóa nó, theo SIPRI.
Niên giám năm 2020 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI)
Website SIPRI ngày 15/6 cho biết, theo dữ liệu được công bố trong Niên giám của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), các chuyên gia của Viện lưu ý rằng vào đầu năm 2020, chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên - có khoảng 13,4 nghìn đầu đạn hạt nhân.
Con số này ít hơn so với thời điểm đầu năm 2019, khi các quốc gia thuộc "câu lạc bộ hạt nhân" có gần 13,9 nghìn đầu đạn hạt nhân.
Báo cáo chỉ ra rằng, kho vũ khí hạt nhân tiếp tục giảm trước hết là do Mỹ và Nga tiếp tục duy trì việc loại bỏ những đầu đạt hạt nhân được rút ra khỏi biên chế trực chiến. Đồng thời, ở Nga và Mỹ cũng đang triển khai những chương trình quy mô và đắt giá để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, hệ thống các loại tên lửa và máy bay mang phóng đầu đạn hạt nhân, cũng như các cơ sở sản xuất loại vũ khí này.
Đầu năm 2020, chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên - có khoảng 13,4 nghìn đầu đạn hạt nhân.
Các chuyên gia cho rằng kho vũ khí của các quốc gia hạt nhân khác nhỏ hơn đáng kể so với Nga và Mỹ, tuy nhiên, tất cả những nước này đều bắt đầu phát triển hoặc triển khai các hệ thống mới để mang phóng vũ khí hạt nhân, hoặc công bố ý định triển khai việc này.
Riêng Trung Quốc, theo nhận định của các chuyên gia, đang ở đoạn giữa con đường "hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình".
Trong khi đó, cả Ấn Độ và Pakistan được cho là đang tăng cường kho vũ khí của mình. Còn Triều Tiên thì tiếp tục dành sự ưu tiên cho chương trình hạt nhân quân sự của mình như là yếu tố trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia, mặc dù vào năm 2019, họ đã tuân thủ lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân và phương tiện mạng phóng tên lửa đạn đạo tầm xa do bản thân họ đặt ra.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm là một tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề xung đột và hợp tác trong bối cảnh phát triển toàn cầu về hòa bình và an ninh.
Là một trung tâm phân tích độc lập, SIPRI được chính phủ Thụy Điển thành lập vào năm 1966. Viện được đặt tại Solna và có khoảng 50-60 nhân viên.