Hội đồng Bảo an lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19 tại Sudan

Bạch Dương| 25/04/2020 19:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là một trong những nội dung được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra trong Thông tin báo chí sau cuộc họp trực tuyến về tình hình Dafur ngày 24/4.

Theo tin từ Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, ngày 24/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành họp trực tuyến về tình hình Dafur (Sudan) và hoạt động của Phái bộ hỗn hợp LHQ – Liên minh châu Phi tại Dafur (UNAMID).

Tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix và Phó Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo đã thông tin về các tiến triển trong tiến trình chuyển tiếp ở Sudan, tình hình an ninh tại Dafur, hoạt động của UNAMID và lộ trình rút quân của UNAMID khi đến hạn kết thúc nhiệm vụ ngày 31/10/2020).

Hai báo cáo viên cũng nhấn mạnh các khó khăn của UNAMID trong việc rút quân, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, không loại trừ khả năng cần thêm thời gian kéo dài hơn so với thời hạn 31/10. LHQ đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với Chính phủ Sudan về sự hiện diện của LHQ tại Sudan sau khi UNAMID kết thúc nhiệm vụ. 

Hội đồng Bảo an lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19 tại Sudan

Ảnh minh họa

Các thành viên HĐBA ghi nhận tình hình chính trị - an ninh tại Sudan và Dafur đã có tiến triển, song vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng ở Dafur cũng như tác động từ đại dịch COVID-19; hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động của UNAMID trong bảo vệ thường dân và thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình ở Dafur; ủng hộ việc thiết lập một sự hiện diện mới của LHQ sau UNAMID.

Đại diện Sudan bày tỏ mong muốn một Phái bộ Chính trị của LHQ sẽ được thiết lập nhằm hỗ trợ tiến trình chính trị, an ninh và phát triển ở Sudan.

Sau cuộc họp, HĐBA đã ra Thông tin Báo chí với nội dung tái khẳng định ủng hộ đối với tiến trình chuyển tiếp ở Sudan, hoan nghênh cam kết của Chính phủ Sudan và phần lớn các nhóm vũ trang ở Dafur hướng tới một thỏa thuận hòa bình toàn diện, bày tỏ lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 ở Sudan, nhấn mạnh sẽ quyết định về sự hiện diện của LHQ sau UNAMID trước ngày 31/5/2020 trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Sudan.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ ghi nhận những tiến triển về chính trị và an ninh thời gian qua tại Sudan nói chung và Dafur nói riêng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp, tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giải quyết các vấn đề gốc rễ của xung đột ở Dafur.

Đại sứ đánh giá cao vai trò của LHQ, Liên minh châu Phi và các nước khu vực, trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Sudan; kêu gọi thúc đẩy hơn nữa vai trò trung gian hòa giải của Nam Sudan; nhấn mạnh ủng hộ việc điều chỉnh UNAMID và tiến tới thành lập sự hiện diện mới của LHQ phù hợp với đề nghị của Chính phủ Sudan, tình hình trên thực tế và các Nghị quyết liên quan của HĐBA; đề cao vai trò của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, nhấn mạnh vấn đề này cần được tiếp tục quan tâm thỏa đáng trong giai đoạn sau UNAMID.

* Cùng ngày, HĐBA đã họp trực tuyến về hoạt động của Phái bộ hành chính lâm thời của LHQ tại Kosovo (UNMIK).

Tại cuộc họp, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ và Trưởng Phái bộ hành chính lâm thời của LHQ tại Kosovo (UNMIK) Zahir Tanin cho biết đại dịch Covid-19 đã gây ra tác hại chưa từng có tới khu vực, trong đó có Kosovo; cơ quan y tế Kosovo đã có phản ứng kịp thời, UNMIK đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động của các tổ chức LHQ và trực tiếp tham gia trong cuộc chiến chống Covid-19 với người dân.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký cũng kêu gọi lãnh đạo Serbia và Kosovo tích cực đối thoại, tìm kiếm giải pháp hoà bình cho vấn đề Kosovo. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia cho biết sẵn sàng hỗ trợ người dân Kosovo trong cuộc chiến chống Covid-19, đã cử bác sỹ và cung cấp nhiều thiết bị y tế cho Kosovo; cam kết tham gia đối thoại với Kosovo. Đại diện Kosovo nêu những trở ngại cho tiến trình đối thoại, trong đó có vấn đề người Kosovo bị mất tích và việc công nhận độc lập của Kosovo.

Các thành viên HĐBA hoan nghênh một số hoạt động hợp tác, xây dựng lòng tin mà Belgrade và Pristina đã triển khai trong thời gian qua, trong đó sự hợp tác tốt giữa hai cơ quan y tế trong cuộc chiến chống COVID-19; kêu gọi hai bên tiến hành đối thoại thực chất. Trong khi có ý kiến cho rằng cần xem lại tính cần thiết của việc duy trì hoạt động của UNMIK, nhiều nước tiếp tục ủng hộ vai trò của UNMIK tại Kosovo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng Bảo an lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19 tại Sudan